“Chống nóng” đúng cách
Bác sĩ Trần Như Luận
Thời tiết nắng nóng đã và đang gây nhiều xáo trộn cho cuộc sống thường nhật, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe mọi người. Song, không phải ai cũng biết đối phó với nắng nóng một cách đúng đắn.
Theo bác sĩ Trần Như Luận, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe tỉnh, không khó để chỉ ra những sai lầm phổ biến trong việc “chống nóng” của dân mình. Chẳng hạn, tắm mát trong mùa nắng nóng là một việc rất nên làm, để thoát nhiệt nhanh, hô hấp được tăng cường, máu huyết lưu thông tốt hơn. Tuy nhiên, nếu tắm quá nhiều lần hoặc tắm quá lâu thì không tốt cho sức khỏe. Không nên tắm quá 5 lần trong 24 giờ và mỗi lần tắm không nên lâu quá 35 phút. Vì mỗi lần thay đổi nhiệt độ ngoài da, cơ thể phải vận dụng tới một ít năng lượng để điều nhiệt, dẫn tới hao hụt năng lượng, giảm sức đề kháng, khiến chúng ta dễ bị cảm cúm, viêm họng, ho, sổ mũi.
Ngủ quạt và máy lạnh nếu không đúng cách cũng có thể dẫn tới bệnh đường hô hấp. Rất nhiều người có thói quen nằm ngủ suốt đêm với hơi quạt hoặc hơi máy lạnh tốc thẳng vào mũi họng, khiến sức chống đỡ bệnh tật của khu vực này kém đi, dễ gây cảm cúm, viêm họng, thậm chí ho kéo dài bất trị.
Rất nhiều trẻ nhỏ, nhất là các cháu 4-15 tuổi thích nằm ở phòng có máy lạnh với nhiệt độ phòng rất thấp (dưới 250C), dẫn đến những tai hại rất đáng kể mà đứng hàng đầu là viêm đường hô hấp trên tái phát nhiều lần. Viêm đường hô hấp trên cũng là “cái lẩy cò” làm bùng phát những đợt nặng lên của bệnh hen phế quản.
Nếu trẻ dùng kháng sinh nhiều đợt trong mùa nắng nóng thì sẽ dẫn đến những đợt bệnh kéo dài do rối loạn khuẩn chí ở đường hô hấp. Đây là một thực tế rất hay gặp mà chúng ta cần quan tâm phòng tránh. Một mặt, phụ huynh không nên để máy lạnh ở nhiệt độ dưới 250C khi phòng có trẻ nhỏ; mặt khác, các thầy thuốc và các bà mẹ tuyệt đối không nên lạm dụng kháng sinh cho các cháu bé bị viêm đường hô hấp trên nhiều đợt. Thay vào đó, nên tìm hiểu nguyên nhân và chữa trị bắt đầu từ đó.
● Với những người mắc bệnh mạn tính thì cần chú ý điều gì, thưa bác sĩ?
- Những người bị hen suyễn cần đặc biệt giữ gìn để khỏi bị viêm đường hô hấp trên, tránh nguy cơ tái phát nặng. Đặc biệt, không nên tiếp xúc gần với những người bị cảm cúm, ho, chảy mũi. Đối với nam giới bị rối loạn thần kinh tim hoặc suy nhược thần kinh, ban đêm ngủ không nên cởi trần, bởi quạt liên tục trực tiếp vào da vùng ngực thường gây ra mất ngủ, giấc ngủ bất an, thậm chí gây ác mộng. Những người sẵn bị viêm đại tràng mạn tính nên tránh ăn rau sống và tránh dùng thức ăn lạnh.
Với những người bị viêm họng hạt, hen suyễn và có sự nhạy cảm đặc biệt ở đường hô hấp (hay ho, hắt hơi, sổ mũi) tuyệt đối không dùng nước đá lạnh. Nếu sử dụng máy lạnh thì không nên để nhiệt độ phòng ở mức dưới 250C. Hạn chế ngủ ngoài trời.
Tắm biển là một cách chống nóng hiệu quả, tuy nhiên không nên ở dưới nước quá 35 phút.
● Ngủ ngoài trời là tình trạng diễn ra phổ biến ở TP Quy Nhơn những ngày qua. Theo bác sĩ, cách làm này đúng, sai ở chỗ nào?
- Trên thực tế, nếu trong nhà quá ngột, quá nóng và các phương tiện làm mát không đủ để cải thiện tình hình, việc ngủ ngoài trời không phải là điều kiêng kỵ. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều người, ngủ ngoài sân có mái che và có mùng là cần thiết. Nếu do điều kiện mà phải ngủ ở nơi không có mái che thì cần treo mùng kỹ hơn (loại mùng có tấm vải mỏng ở mặt trên). Xin lưu ý là cần phải đắp drap (tấm vải mỏng hơn chăn), và nên đắp kỹ ở bụng, ở ngực. Khi ngủ ngoài trời thì tuyệt đối không được ở trần.
Nếu ngủ ở bờ biển, bờ sông, bãi cát thì cần lưu ý: không nằm sát mặt cát mà phải nằm trên giường xếp, giường bố để phòng các bệnh do côn trùng; nên treo mùng cẩn thận; không nằm trên ghế bố vì dễ gây hội chứng đau vai gáy.
● Một nỗi lo khác khi nắng to là dễ dẫn đến say nắng. Say nắng biểu hiện ra sao? Cần sơ cứu như thế nào khi phát hiện người say nắng?
- Khi ra đồng ra bãi, bất chợt trông thấy những người làm nông đột nhiên ngất xỉu, choáng váng mày mặt, ra mồ hôi đầm đìa, mặt đỏ gay, kêu van khát nước, ta biết ngay là họ đang bị say nắng.
Đầu tiên, nên đưa ngay vào chỗ mát, thoáng khí. Nên cho uống bất cứ loại nước gì đang có sẵn. Tốt hơn hết là nước đã đun sôi để nguội, pha thêm tí muối, tí đường theo tỉ lệ tám muỗng đường, nửa muỗng muối cho mỗi lít nước. Nếu có sẵn nước trà thì càng tốt vì trà làm cho nạn nhân mau tỉnh táo và có tác dụng trợ tim nhẹ.
Sơ cứu xong, nên cho nạn nhân ăn thức ăn loãng, dễ tiêu hóa và bố trí chỗ nghỉ ngơi thích hợp. Thông thường, với cách xử trí như trên, nạn nhân sẽ khỏe lại sau nửa giờ. Nếu sau thời gian đó mà người bệnh không có tiến triển tốt, cần đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để được xác định chẩn đoán và điều trị tiếp.
● Xin cảm ơn bác sĩ.
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)