Hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh: Đằng sau những con số
Theo báo cáo mới đây của Sở VH-TT &DL, hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã và cấp thôn từng bước được hoàn thiện, hoạt động đi vào nề nếp, nâng cao chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 1 Trung tâm Văn hóa tỉnh, 11 Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện, thị xã, thành phố; 11 Trung tâm Văn hóa Thanh thiếu niên; 77 thư viện (1 thư viện cấp tỉnh, 10 thư viện huyện và thị xã, 66 thư viện, tủ sách cơ sở); 2 nhà bảo tàng cấp tỉnh, 5 phòng truyền thống, 6 nhà lưu niệm hiện đang lưu giữ hàng chục nghìn hiện vật, tư liệu.
Nhà văn hóa làng Canh Giao ở xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh.
Hiện tại, đã có 82/159 xã, phường thị trấn có nhà văn hóa; 541/1.120 thôn, khu phố có nhà văn hóa; 89 khu sinh hoạt văn hóa - thể thao cấp xã có sân khấu ngoài trời kiên cố, được trang bị phương tiện âm thanh, ánh sáng. Ngoài ra, 106 xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng được lồng ghép với các hoạt động văn hóa và 126 điểm bưu điện văn hóa xã. 770 trụ sở thôn có khả năng đảm trách một số hoạt động văn hóa cơ sở. Trên địa bàn các huyện miền núi, có tổng cộng 78 nhà rông, 30 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc Bana, Chăm Hroi, Hre.
Theo đánh giá của Sở VH-TT &DL, các thiết chế văn hóa trên đã đáp ứng tích cực các hoạt động đời sống văn hóa cơ sở của nhân dân. Theo chúng tôi, điều này “đúng nhưng chưa đủ” khi phản ánh thực trạng của các thiết chế văn hóa cơ sở đằng sau những con số thống kê. Số lượng các thiết chế văn hóa tuy nhiều, nhưng theo phản ánh của các địa phương thì phần lớn các thiết chế văn hóa đều cũ kĩ, lạc hậu, chưa được đầu tư những trang thiết bị cần thiết để thu hút người tham gia sinh hoạt. Thiết chế văn hóa mới được xây dựng khá nhiều trong những năm gần đây là nhà văn hóa thôn, thì một số nơi xây dựng chạy theo phong trào chứ chưa phù hợp với tình hình thực tế, nhìn hoành tráng bên ngoài nhưng bên trong còn “rỗng ruột”.
Việc xây dựng các nhà rông, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đáng nói là phần lớn các ngôi nhà này đã và đang được xây dựng theo kiểu “cách tân”, đánh mất bản sắc truyền thống trong kiến trúc. Nhiều làng đồng bào dân tộc còn nghèo, nhưng nhà rông được xây dựng tiền tỉ mà hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Có dịp đến một làng đồng bào dân tộc ở vùng sâu vùng xa của một huyện miền núi, phần lớn các hộ trong làng đều là hộ nghèo, thấy bên trong nhà văn hóa rất hoành tráng có lắp gần hai chục bóng điện, quạt… dù mỗi ngày làng này chỉ có được một vài tiếng hiếm hoi có điện máy nổ.
Thiết nghĩ, các đơn vị liên quan từ tỉnh đến cơ sở cần có sự phối hợp để khảo sát tình hình thực tế, đánh giá đúng thực chất hệ thống thiết chế văn hóa. Từ đó, có sự đề xuất để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa phù hợp và quan trọng hơn là phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế.
MAI THƯ