Người con của núi rừng
Ở xã vùng cao Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, câu chuyện về một người Bana bền bỉ gánh chữ về làng của hơn 30 năm trước đến nay vẫn còn nhiều người nhắc đến. Người ta gọi ông là “ngọn đuốc” đầu tiên thắp lên ánh sáng tri thức, soi lối cho sự nghiệp “trồng người” ở thượng nguồn Krông Bung. Tên ông là Ðinh Hồng Rức!
Năm nay đã 72 tuổi, nhưng ông Rức vẫn còn rất tráng kiện. Vẻ tinh anh trong đôi mắt, nét chất phác, đời thường làm người đối diện ngưỡng mộ, con cháu kính mến. Tham gia du kích làng K4 những năm 1966 - 1972, bắt đầu sự nghiệp “đưa đò” từ năm 1980, hoạt động hội, đoàn thể sau khi về hưu từ năm 2007 đến nay, ông Rức lúc nào cũng tận tuỵ, hết mình vì sự phát triển của làng bản, đồng bào.
“Ngọn đuốc sáng” giữa đại ngàn
Tốt nghiệp Trường Sư phạm Miền núi Nghĩa Bình, chàng trai Đinh Hồng Rức được phân về “nơi chôn rau cắt rốn” - làng K4, xã Vĩnh Sơn - công tác năm 1980. Vì trường trại chưa có, bàn ghế cũng không, ông Rức vận động học sinh, phụ huynh vào rừng chặt mò o, tre, nứa làm vách, cắt lá mây để lợp thành mái, bện dây mây thành bàn, thành ghế. Ngôi trường thời ấy được xây dựng bởi chính công sức của thầy, trò và cả làng.
Nhận thấy học trò ở quá xa trường học, một tuần lại chỉ học khoảng 2 - 3 buổi nên chất lượng không cao, năm 1983, ông Đinh Hồng Rức vận động thành lập Trường Bán trú Dân nuôi của xã. Hiệu quả của mô hình này thấy rõ khi cả chất lượng và số lượng học sinh đều tăng lên. Từ 15 em ban đầu, 4 năm sau, trường đã có 80 em. Cũng đúng lúc đó, trường phải giải thể vì nằm trong lòng hồ của Dự án Công trình Thủy điện Vĩnh Sơn.
Sau đó, thầy giáo Rức được phân về làng K4 làm quản lý kiêm dạy học. Thời gian này, lòng ông vẫn không nguôi trăn trở về mô hình lớp học bán trú để chuyện đi học trở nên dễ dàng hơn với trẻ vùng cao. Nung nấu và nuôi quyết tâm, đến năm 1988, Đinh Hồng Rức xuống Trường Nội trú huyện xin mở chi nhánh tại Vĩnh Sơn. Điểm trường bán trú K4 lại tiếp tục trở thành “mái nhà chung” của học trò Bana ham học. Từ 30 học sinh tại thời điểm thành lập, 4 năm sau, sĩ số đã được 92 học sinh. Nhưng, một lần nữa trường phải giải thể vì hoạt động quá khó khăn.
Hai lần lập trường, hai lần giải thể, tưởng chừng thầy Rức đã mỏi mệt, chán nản. Song, như cây đại thụ của rừng, như những ngọn núi sừng sững đang bao bọc lấy bản làng, quyết tâm mở lại trường bán trú của thầy giáo Rức vẫn cuồn cuồn dâng trào. Sau rất nhiều nhẫn nại, đợi chờ, năm 1996, Trường THCS bán trú Vĩnh Sơn hình thành. Ông vinh dự trở thành Hiệu trưởng đầu tiên của Trường THCS bán trú Vĩnh Sơn.
“Những năm tháng vừa đứng lớp, vừa làm quản lý tại ngôi trường mà mình ấp ủ, kỳ vọng là những năm tháng rất đẹp. Những ngày đầu chưa có nhà công vụ, mấy anh em giáo viên đều cùng lưu trú tại nhà tôi. Gạo đã có, rau mắm thì dùng tiền lương để sắm; cứ thế, tập thể chúng tôi đoàn kết, cùng nhau vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Hồi đó, toàn bộ trí tuệ, sức lực chúng tôi dành cho học sinh. Các em thật sự là học sinh thân yêu của chúng tôi.
Từ ngôi trường tận dụng nhà ván, thầy Rức và đồng nghiệp cùng dân làng gần xa xây dựng các dãy phòng học mới, dần khang trang hơn. Với quan điểm, chỗ nào có dân làng, có trẻ em thì chỗ đó có lớp học, thầy Rức tiếp tục mở thêm các điểm trường tại các nơi cách xa trường chính như Đăk Tra, O2 (nay đều thuộc xã Vĩnh Kim), điểm trường cho con em công nhân thủy điện...
8 năm, kể từ thời điểm về hưu, niềm vui của thầy giáo Rức là bao thế hệ thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Vĩnh Sơn vẫn dành cho ông sự yêu mến, khâm phục. Lễ khai giảng, Ngày hiến chương nhà giáo Việt Nam (20.11), Lễ tổng kết năm học nào, nhà trường cũng mời thầy Rức đến dự; ghé thăm nhà thầy, trao đổi tâm tình. Và, những học trò đầu tiên của ông, nay đã là cán bộ xã, huyện, vẫn kính trọng và yêu thương “thầy Rức của chúng tôi”.
Người con ưu tú của đồng bào Bana
Ở cái tuổi “thất thập”, ông Đinh Hồng Rức vẫn tận tâm, tận lực với bà con thôn bản, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giúp đỡ người nghèo, người neo đơn và gia đình có công với cách mạng. Trong hơn nửa cuộc đời gắn bó với làng K4, ông đã tham gia nhiều hoạt động và giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Vĩnh Sơn, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã Vĩnh Sơn, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Vĩnh Sơn, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi làng K4, Trưởng Ban Mặt trận làng K4...
Đặc biệt, ông là người trực tiếp đứng ra “kéo” các thanh niên chậm tiến, vi phạm pháp luật vươn lên làm lại cuộc đời, trở thành những người có ích, góp phần không nhỏ vào việc củng cố và phát triển khối đại đoàn kết các dân tộc tại địa phương.
Không chỉ là người giỏi kết nối, hàn gắn những bất hoà, các đối tượng chậm tiến, ông còn là người đi tiên phong trong công tác vận động, tuyên truyền bà con thôn, làng tích cực tham gia xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu. Người K4 hôm nay đã biết đi bệnh viện khi đau ốm chứ không ở nhà giết heo, gà, cúng giải bùa; đi làm khai sinh cho con để việc học được thuận lợi; xóa bỏ các tập tục cổ xưa trong đám ma... Cũng nhờ ông Rức, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đã về với từng mái nhà sàn. Khối đại đoàn kết dân tộc tại địa phương vì thế mà được thắt chặt, keo sơn.
Với những đóng góp tích cực đối với sự nghiệp giáo dục cùng những công lao đối với cộng đồng, ông Ðinh Hồng Rức vinh dự được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Bằng khen của UBND tỉnh về thực hiện xuất sắc sự nghiệp phát triển các dân tộc thiểu số năm 2010; giấy khen của UBND huyện Vĩnh Thạnh năm 2011; giấy khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vĩnh Thạnh năm 2012; Bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh năm 2013 và Bằng khen của UBND tỉnh và Thủ tướng Chính phủ năm 2014.
TRỌNG LỢI