Trụ cột của đời
Nội tôi có ba người con. Người con đầu - bác cả của tôi ra Bắc từ cái dạo ông tôi đi tập kết, rồi học tập, lập gia đình và an cư ở chốn Thủ đô. Người con thứ hai - cô của tôi theo chồng vào Nam làm kinh tế, rồi ở lại đó không về. Ba tôi ở lại với nội giữa mảnh đất miền Trung lam lũ, cần mẫn vén vun cho nếp nhà được vững bền.
Ngày ông tôi mất, nội kiên quyết đưa ông từ Hà Nội về quê để an táng với mong muốn chăm sóc mộ phần của ông được chu toàn. Nội bảo với cháu con: “Quê hương, nguồn cội là đây, bây đi đâu đi, một năm nhớ về thắp cho ông nén hương được một lần là má thấy ấm lòng rồi”.
Rồi để tiện cho chuyện bán buôn của mẹ và chuyện học hành của chị em tôi, nhà tôi chuyển ra phố, ở cách xa nội ngót gần chục cây số. Ba tôi muốn nội đến ở cùng để chăm bà được “kỹ” hơn, song bà nhất quyết từ chối. Nội nói: “Tao đi, ông bây ở đây một mình buồn lắm, tội ổng. Cứ chiều chiều, bây chạy về chơi là được rồi”. Ba tôi chiều lòng nội. Ngày nào không đi học, tôi gần như nằm ườn trên võng đu nhà nội, nghe bà kể chuyện ngày xửa ngày xưa. Nội bảo người già như lá cuối thu mỏng manh, càng gần đất, người ta càng muốn gắn bó với tổ tiên, chẳng buồn đi đâu nữa”.
Vậy là hằng năm, mỗi dịp 30.4 hoặc Quốc khánh 2.9, đại gia đình tôi lại sum họp, Bắc - Trung - Nam về vui một nhà. Những ngày ấy, tôi thấy nội như trẻ ra vài tuổi, mới biết, hạnh phúc của người già giản đơn lắm, ấy là được quây quần cùng cháu con. Bà như là cái trụ cột tinh thần vững chãi để con cháu nương nhờ.
PHAN DƯƠNG