Vợ mãi là “trẻ con”
Khi yêu, có người quan niệm lấy vợ nhỏ tuổi hơn nhiều hoặc có tính vô tư để dễ “dạy”. Thậm chí, người lấy vợ lần thứ hai cũng nghĩ dưới sự hướng dẫn, yêu thương chân thành, cô nàng bé bỏng sẽ trưởng thành hơn. Vậy mà, có những cô vợ vẫn cứ như trái xanh mãi mà chẳng chịu “chín”.
Biết bao giờ vợ “lớn”?
Qua 10 năm đợi vợ trưởng thành hơn, cuối cùng anh N.T.L, 35 tuổi, kỹ sư xây dựng ở KV5, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, đã lắc đầu chịu thua, anh kể: “Lúc yêu nhau, tôi thấy hạnh phúc vì cô ấy có vẻ trẻ con nũng nịu, một dạ hai thưa, gọi anh ngọt xớt. So với bạn cùng lứa, tôi cảm thấy mình lớn hẳn khi được chăm sóc, bảo ban người yêu cả ngày. Ai dè, sau khi cưới, nhất là lúc có con, tôi mới “thấm” cái sự trẻ con vô tư thành vô tâm của cô ấy”. Ngoài giờ tan sở, vợ anh về nhà là vô tư ngủ, ăn, và làm những việc mình thích. Anh L. phải xắn tay lo mọi việc nhà, chăm con và công ty riêng của mình. Từ ngày thuê được người giúp việc, vợ anh coi như không có trách nhiệm, nghĩa vụ gì với con nữa. Con bám mẹ, đòi chơi với mẹ thì bị mẹ mắng. Đứa con gái 6 tuổi của họ cảm thấy tủi thân, sợ sệt và tỏ rõ vẻ không thích mẹ.
Có người vợ lại cố tình trẻ con mãi, không chịu lớn, ngay cả khi tuổi tác và vai trò của họ đã thay đổi. Chị Trần Thị Hồng Hoa, 25 tuổi ở thị xã An Nhơn lấy chồng thuộc gia đình khá giả lại là con duy nhất. Mẹ chồng vốn hiền lành, thương con cháu hết lòng nên đảm nhận hết việc nhà. Vợ chồng chị chỉ lo công việc. Tuy nhiên, khi có thêm con nhỏ, chị Hoa cũng chẳng muốn nhấc chân động tay vào việc gì. Mẹ chồng chị chăm sóc cháu nội cả ngày đã mệt mỏi còn phải làm hết việc nhà. Khi chồng góp ý, chị viện cớ cho con bú nên bắt chồng phải rửa chén, dọn dẹp thay mình, trong khi mình vừa cho con bú vừa xem ti vi hay lướt net.
Nhiều bữa, chị nói bận việc cơ quan về trễ nhưng thực ra trốn đi chơi, mua sắm. Mỗi khi bà nội đau, con đau chị bảo anh phải có trách nhiệm chăm sóc mẹ và con còn mình vẫn điềm nhiên đi làm. Bị mọi người góp ý, chị giận ẵm con về nhà với lý do: “Mẹ tôi chăm cháu còn kỹ hơn nhà anh. Về ấy, tôi không phải làm gì mà cũng chẳng ai trách móc”. Có những lúc, vợ anh về ở nhà mẹ đẻ cả tháng không thèm về nhà chồng.
Chấp nhận và thay đổi hay giải thoát
Người ngoài nhìn vào cứ bảo là các ông chồng này quá chiều vợ khiến họ ỷ lại, không chịu lớn. Tuy nhiên trong thực tế, các ông chồng muốn giữ gia đình được trọn vẹn để các con có mẹ, vừa giữ thể diện với mọi người với vị thế của mình trong xã hội nên chấp nhận “một điều nhịn chín điều lành”.
Theo các nhà tâm lý, khi quyết định kết hôn, người trong cuộc luôn buộc phải chấp nhận tính cách, ưu điểm, nhược điểm của người bên kia và ngược lại. Muốn vợ mình tốt lên không còn cách nào khác người trong cuộc phải tự khuyên nhủ, dạy dỗ, uốn nắn vợ. Các ông chồng cũng đừng nên quá nhu nhược, mà phải có lúc cương lúc nhu, đúng lúc đúng chỗ, thậm chí tạo khoảng thời gian sống riêng để người vợ cảm nhận được những khó khăn khi không có chồng ở bên để sửa chữa lỗi lầm.
Mà trường hợp “dạy vợ” của anh H.T.S, 45 tuổi (ở thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn) là một thành công điển hình. Anh lấy vợ “tập hai”, thua anh khá nhiều tuổi. Dẫu biết tính vợ vô tư, thật thà và có phần hơi vụng về nhưng anh S. hy vọng, với hai ưu điểm “vô tư, thật thà” cô ấy sẽ không tính toán, thương con riêng chồng thật lòng, còn chuyện vụng dại sau này anh sẽ chỉ dạy cho. Sau đó, họ có với nhau thêm một đứa con gái.
Vợ anh chỉ có việc ở nhà chăm con, nấu ăn nhưng cũng chẳng làm nên việc gì, chi tiêu trong nhà cũng không hợp lý, cứ thiếu trước hụt sau. Mỗi lần “dạy” vợ là y như rằng họ cãi nhau kịch liệt vì lúc nào cô ấy cũng cho là mình đúng. Nhiều lúc cãi nhau, vợ anh khăn gói vào TP Quy Nhơn ở với chị gái hàng tuần lễ. Anh nhịn mãi không được đành phải gặp và nói chuyện với gia đình vợ đề nghị họ không chứa chấp cô ấy nữa. Lần sau vợ bỏ đi, anh cương quyết không đi đón về như mọi lần, không ở nhờ được gia đình mình nữa, chị buộc phải thuê nhà ở, tự lập mọi việc. Hơn một tháng sau hết tiền, chịu không nổi nữa, vợ anh đã tự khăn gói về nhà xin lỗi anh và hứa sẽ sửa đổi mọi việc.
Trong trường hợp nếu bảo ban, khuyên nhủ hoài mà bản tính vợ không thể thay đổi, các ông chồng cảm thấy không thể chịu đựng hơn, thì vấn đề chia tay cũng cần được xem xét.
TIÊU DAO