Loại trừ hiểm họa chủ quan!
Trong 5 tháng đầu năm 2015, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn cả nước, cũng như tỉnh ta, đã có sự chuyển biển tích cực. Số liệu thống kê cho thấy, cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT đều giảm hàng chục phần trăm. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa làm dư luận xã hội bớt lo khi vẫn còn xảy ra nhiều vụ gây hậu quả nghiêm trọng khiến nhiều người chết và bị thương.
Trên thực tế, TNGT vẫn là hiểm họa treo lơ lửng đối với mọi người ở mọi lúc, mọi nơi, thậm chí ngay cả khi… không lưu thông trên đường. Trong đó, hiểm họa xảy ra do nguyên nhân chủ quan từ sự bất cẩn của người điều khiển và của phương tiện tham gia giao thông không đảm bảo an toàn là rất đáng báo động.
Điều dễ nhận thấy là tình trạng trên các tuyến đường vẫn lưu thông nhiều xe không đảm bảo an toàn như xe tải siêu trường siêu trọng, xe độ chế chở hàng cồng kềnh, xe đã hết hạn sử dụng… dẫn đến những vụ TNGT do mất thắng, nổ lốp xe gây hậu quả nghiêm trọng. Trên nhiều tuyến đường, cả ở thành phố và nông thôn, việc những chiếc xe máy” nhiều không”: không đèn, không biển số, không kính chiếu hậu…, vẫn được sử dụng vận chuyển hàng hóa cồng kềnh bất chấp các quy định về an toàn giao thông không phải là ít (!).
Kết quả điều tra các vụ TNGT của các cơ quan chức năng cũng cho biết số vụ do lỗi của tài xế khi đã uống rượu bia hay ngủ gật xảy ra chiếm một tỉ lệ không nhỏ. Đây cũng là hậu quả khó tránh vì một khi các tài xế không đảm bảo sức khỏe hay không có sự tỉnh táo khi điều khiển xe, thì TNGT rất dễ xảy ra. Chất lượng đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe chưa thật chặt chẽ, có những lái xe non tay nghề, chưa thông hiểu Luật Giao thông đường bộ vẫn có giấy phép và ra hành nghề cũng là những hiểm họa “nhãn tiền”...
Có thể nói, tất cả các bất cập do nguyên nhân chủ quan, từ phương tiện, ý thức chấp hành luật, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp…, chính là các hiểm họa đối với công tác đảm bảo an toàn giao thông.
Để hạn chế TNGT từ các hiểm họa này, cơ quan quản lý cần phải đặc biệt chú trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp, ý thức tuân thủ pháp luật, siết chặt kiểm tra kỹ năng chuyên môn của lái xe để hạn chế tối đa sự chủ quan, bất cẩn khi tham gia giao thông. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa và xử phạt nghiêm khắc với hành vi bất cẩn của tài xế khi điều khiển xe trong tình trạng thiếu an toàn về người và phương tiện; đặc biệt, cần có chế tài nghiêm khắc hơn, tăng nặng mức án phạt tù cũng như phạt tiền đối với người gây ra các vụ TNGT nghiêm trọng để tăng tính răn đe, phòng ngừa.
Việc từng bước loại trừ tiến tới triệt tiêu các hiểm họa càng sớm thì càng nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn giao thông cho cộng đồng.
H.Ð