Cậu bé Adonpho Pranxix
* Truyện ngắn của J. Kipling (Anh)
Trên một tờ báo tiếng Anh viết: “Đầu óc của phạm nhân không đủ sức để nghe hết cáo trạng của mình!”. Nhưng không ai thông báo cho mọi người biết về vụ án này, bởi chẳng ai để ý Adonpho sống hay chết. Trong căn phòng màu đỏ của Tòa án, các bồi thẩm viên ngồi phía trước Adonpho, ngồi suốt cả buổi chiều nóng bức dài dằng dặc.
Bất cứ lúc nào bồi thẩm viên đặt câu hỏi, Adonpho cũng rất lễ phép, đau xót trả lời đầy đủ. Bồi thẩm đoàn không đủ căn cứ để nghị án. Rõ ràng là thi thể của em gái Adonpho Pranxix đã được phát hiện dưới đáy giếng, nhưng lúc ấy Adonpho ở cách chỗ đó khoảng nửa dặm Anh. Đó là chứng cứ ngoại phạm của cậu bé. Hơn nữa, đứa bé gái ấy có lẽ là ngẫu nhiên rơi xuống giếng cũng nên. Vì vậy Adopho được phóng thích. Người ta báo cho cậu biết, cậu được tự do. Điều này đối với Adonpho chẳng có ý nghĩa gì, bởi lẽ cậu không có chỗ để đi, không có gì để ăn và không có cả áo quần để mặc.
Adonpho bước nhanh vào sân Tòa án, dường như đã quá mệt, cậu ngồi bệt xuống thành giếng, nghĩ, nếu mình nhảy xuống giếng mà không chết đuối thì cả đời sẽ phải giẫy giụa trong bể khổ!
Một người chăn ngựa ném chiếc túi rỗng đựng thức ăn của ngựa lên đống gạch cạnh giếng, cậu bé vì quá đói vội nhặt lấy cố tìm những hạt lúa mạch ẩm ướt còn sót lại.
Người chăn ngựa quát: “Nhóc con! Ăn cắp hả? Vừa mới được Tòa tha tội, đã lại ăn cắp!”. Ông ta kéo tai Adonpho đến trước một lão người Anh béo phị, giải thích chuyện thằng bé ăn cắp lúa mạch của ngựa. Lão người Anh cười lớn: “Ha…ha…ha...! Cho hắn vào xe cũi, đưa về nhà cho ta!”. Thế là cậu bé được đưa lên xe cũi như một con lợn, chở thẳng về nhà lão người Anh. Lão người Anh nói to lần nữa “Lúa mạch ngâm, trời ạ! Thằng bé đói quá mà! Chúng ta cho nó đánh xe ngựa, rõ chưa? Lúa mạch ngâm, ha ha ha… buồn cười thật!”.
Sau khi ăn cơm xong bọn đầy tớ nghỉ ngơi tại phòng ở sau phòng chính của chủ nhân. Lúc này, người đầu mục chăn ngựa nói với Adonpho: “Hãy kể chuyện của cậu đi! Xem tướng cậu đâu phải là loại dân đen chăn ngựa? Nếu không vì miếng ăn, cậu sẽ chẳng chịu chăn ngựa đâu. Tại sao cậu phải đến Tòa án? Mau trả lời đi, thằng nhóc!”.
- Ở nhà cháu không còn gì để ăn - Cậu bé lí nhí đáp - Chỗ này tốt quá mà, cháu có cái ăn.
- Thôi được - Người chăn ngựa nói tiếp - Chúng ta sẽ cho cậu quét dọn chuồng con ngựa đực tía kia, có điều nó hay trở chứng lắm đấy! Kể tiếp đi.
- Nhà cháu vốn làm nghề ép dầu - Adonpho vừa nói vừa phủi bụi trên các ngón tay ngón chân - Tất cả mọi người, cha, mẹ, anh cháu, hơn cháu 4 tuổi, cháu và em gái cháu đều ép dầu.
- Con bé chết dưới giếng đó phải không? - Một người chăn ngựa đã nghe thẩm vấn chuyện này hỏi.
- Vâng ạ - Adonpho xót xa đáp - Em gái cháu chết trong lòng giếng, chuyện đã lâu rồi, cháu cũng không nhớ rõ nữa. Hồi ấy một trận đại dịch lan đến cái thôn chuyên nghề ép dầu đó của chúng cháu. Lúc đầu em cháu bị đau mắt, tiếp đến là bị mù vì bệnh đậu mùa. Về sau, cả cha lẫn mẹ cháu đều bị lây nhiễm bệnh đậu mùa mà chết, bọn trẻ chúng cháu thành những đứa trẻ mồ côi, anh cháu mới 12 tuổi, cháu 8 tuổi và đứa em gái mù của cháu nữa. Có điều lúc đó ngựa và máy ép dầu đang còn, chúng cháu định chung sức cùng nhau để mưu sinh. Nhưng một tay lái buôn lương thực vốn từng làm ăn với gia đình cháu lại hãm hại chúng cháu. Hắn là một kẻ bất lương, độc ác!
- Đồ lừa đảo! - Các bà vợ những người chăn ngựa rủa xả kẻ bất lương - Sao lại đan tâm hãm hại bọn trẻ như thế chứ?
- Chiếc máy ép cũ lắm rồi, chuồng ngựa lại sắp sập mà chúng cháu, anh cháu và cháu không đủ sức để gia cố nó.
- Khổ chưa? Vợ người đầu mục chăn ngựa mặc bộ áo quần đẹp góp chuyện - Làm máy ép dầu phải là người khỏe mạnh mới được. Hồi còn là con gái ở nhà mẹ…
- Im mồm đi! Đồ đàn bà! Đầu mục chăn ngựa quát - Kể tiếp đi, cậu bé!
- Vâng ạ - Adoppho nói tiếp - Một hôm, đòn dông chuồng ngựa bị sập, kéo các bức tường sập theo, đè gãy lưng con ngựa. Thế là chúng cháu không còn nhà, không còn máy ép và cũng không còn ngựa nữa. Chỉ còn lại anh cháu, cháu và đứa em gái mù tội nghiệp của cháu. Chúng cháu khóc và rời nhà ra đi, dắt nhau qua những cánh đồng hoang hóa. Vùng này đang mất mùa. Chúng cháu chỉ còn mấy đồng bạc ít ỏi mang theo. Vào một buổi tối, khi chúng cháu đang ngủ, anh cháu đã lấy hết số tiền đó rồi bỏ đi mất. Cháu không biết anh ấy đi đâu. Linh hồn cha mẹ cháu trên trời sẽ nguyền rủa anh ấy. Cháu và em gái cháu đói rã người nhưng chẳng ai cho chúng cháu chút gì để ăn cả. Mọi người đều nói, hãy đến chỗ Người Anh đó, ông ta sẽ cho. Cháu không biết hình dáng Người Anh như thế nào. Nhưng ai cũng nói Người Anh là người da trắng, sống trong các lều bạt. Cháu đi, nhưng chẳng rõ là mình đi đâu. Anh em cháu chẳng có chút gì ăn cả.
“Vào một đêm oi bức, em cháu khóc ngằn ngặt vì đói. Nó đòi ăn. Chúng cháu đến cạnh một cái giếng, bảo em cháu ngồi lên thành lan can rồi thừa cơ đẩy nó xuống giếng. Dù sao thì nó cũng có thấy gì đâu, chết còn hơn là sống mà đói quá không chịu nổi.
“Hức hức - Vợ mấy người chăn ngựa bất giác khóc rấm rứt - Thì ra là thằng bé nghĩ, chết còn hơn sống mà đói lay đói lắt!
“Bản thân cháu cũng muốn nhảy xuống giếng, nhưng lúc đó em cháu vẫn còn sống, từ dưới giếng nó réo gọi tên cháu. Cháu sợ quá bỏ chạy. Có người trong vùng nói là cháu đã hại chết con bé lại còn làm bẩn cả giếng nước. Cháu bị dẫn đến trước một người da trắng trông rất dễ sợ, sống trong một căn lều bạt. Ông ta đưa cháu ra Tòa, nhưng không có ai làm chứng. Vả lại, em gái cháu thứ gì cũng không nhìn thấy, tuổi lại còn quá nhỏ”.
“Chỉ là một đứa trẻ con!”, vợ của người đầu mục chăn ngựa nói, nhưng cháu thì sao chứ, gầy như một con chim nhỏ, nhỏ đến mức như một con ngựa vừa một ngày tuổi, cuối cùng cháu làm gì được chứ?”
“Cháu vẫn rất đói nhưng bây giờ bụng cháu đã no rồi - Adonpho vừa nói vừa nằm dài ra đất duỗi thẳng cả hai chân hai tay - Lúc này cháu chỉ muốn ngủ thôi”.
Khi Adonpho thoải mái chìm vào giấc ngủ, vợ của người đầu mục chăn ngựa đắp lên người cậu bé một tấm vải.
Trà Ly (Dịch từ bản Hoa văn của Dật Danh)
Joseph Rudyard Kipling (1865-1936), nhà văn, nhà thơ Anh đoạt giải Nobel Văn học năm 1907.
Joseph Rudyard Kipling sinh tại Mumbai, Ấn Ðộ. Cha là chuyên gia Anh về lịch sử nghệ thuật Ấn Ðộ, Giám đốc Trung tâm nghệ thuật Mumbai; mẹ là con một gia đình danh giá ở London. Lên 6 tuổi Kipling được gửi sang Anh học, năm 1882 về Ấn Ðộ viết một số truyện ngắn và làm trợ lý Tổng biên tập cho một tờ báo ở Lahore.
Kipling đã khiến xã hội sở tại kinh ngạc bởi những ý kiến sắc sảo trước các vấn đề xã hội và kiến thức về đất nước Ấn Ðộ.
Khi đã có trong tay 20 tập sách (trong đó có 4 tiểu thuyết,hàng trăm bài thơ, nhiều tập ký, bài báo…).
Vào tuổi 42 Kipling đạt giải Nobel Văn học, là người trẻ tuổi nhất trong lịch sử giải này. Ngoài ra, ông còn nhận bằng danh dự và phần thưởng của nhiều trường Ðại học danh tiếng của Mỹ, Anh, Pháp…
(Theo Wikipedia 04:27, ngày 18.4.2015)