Các Đội Tuyên truyền lưu động: Bắt nhịp cầu thông tin đến nhân dân
Tỉnh ta hiện có 1 Ðội Tuyên truyền lưu động cấp tỉnh và 11 Ðội Tuyên truyền lưu động cấp huyện, thị xã, thành phố, có nhiệm vụ thực hiện các hoạt động tuyên truyền trực tiếp các thông tin cần thiết đến với người dân.
Đưa thông tin đến vùng sâu, vùng xa
Căn cứ đặc điểm tình hình và trình độ dân trí của vùng, miền, từng dân tộc và địa phương, mà mỗi Đội Tuyên truyền lưu động (ĐTTLĐ) xây dựng các chương trình hoạt động phù hợp để chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.
Việc tuyên truyền phải đáp ứng đầy đủ các hình thức theo quy định là tuyên truyền miệng, tuyên truyền lưu động bằng các hình thức văn nghệ, tuyên truyền bằng các hình thức triển lãm, cổ động trực quan. Ông Trần Minh Ánh, Đội trưởng ĐTTLĐ thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh, cho biết: “Đội có 5 thành viên chính thức, cùng phối hợp thêm với nhiều cộng tác viên để xây dựng các chương trình tuyên truyền kết hợp ca, múa, kịch sinh động, thu hút người xem. Chúng tôi đi tuyên truyền ở khắp các địa phương trong tỉnh, đến tận những vùng sâu, vùng xa ở các huyện miền núi Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân…”.
“Một đêm tháng 8.2014, ĐTTLĐ thuộc Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn đến xã bán đảo Nhơn Hải trong cơn mưa tầm tã, nhưng vẫn vui vẻ biểu diễn chương trình chủ đề “Biển đảo quê hương và văn hóa giao thông”, thu hút đông người xem”, ông Ánh nhớ lại. Ngoài văn nghệ, ĐTTLĐ còn kết hợp triển lãm hình ảnh tư liệu về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Anh Nguyễn Văn Hoàng, một ngư dân ở xã Nhơn Hải, chia sẻ: “Thông qua chương trình tuyên truyền, tôi thấy Nhà nước đã có nhiều hình thức quan tâm động viên để ngư dân có thêm niềm tin và động lực tiếp tục vươn khơi bám biển…”.
Chương trình tuyên truyền ở Nhơn Hải là một trong số nhiều chương trình thành công mà ĐTTLĐ TP Quy Nhơn đã thực hiện ở 21 phường, xã trên địa bàn TP Quy Nhơn trong những năm qua. Ông Châu Hồng Tâm, Đội trưởng ĐTTLĐ TP Quy Nhơn, cho biết: “Để đảm bảo cho các chương trình phong phú về hình thức và đảm bảo nội dung tuyên truyền, thì phải có sự năng động, sáng tạo đưa vào những cái mới. Đối với kịch tuyên truyền, chúng tôi dàn dựng kịch hát sử dụng các làn điệu dân ca vùng miền, đặc biệt là bài chòi để tạo sức hấp dẫn hơn…”.
Bà La Thị Huyền Giang, cán bộ phụ trách hoạt động tuyên truyền lưu động của Trung tâm VH-TT-TT huyện Vân Canh, tâm đắc: “Ngoài việc dàn dựng các tiết mục ca múa nhạc gắn với nội dung tuyên truyền thu hút người xem, tuyên truyền viên phải học hỏi, tích lũy kinh nghiệm tuyên truyền miệng hiệu quả các vấn đề như xây dựng đời sống văn hóa, an toàn giao thông… bằng cách diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu đối với đồng bào dân tộc Chăm Hroi, Bana trên địa bàn”.
Quy định có, nhưng khó thực hiện
Ngày 20.12.2013, UBND tỉnh có Quyết định số 46 về việc ban hành Quy định chế độ quản lý đặc thù đối với ĐTTLĐ cấp tỉnh, cấp huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Theo đó, định mức hoạt động hằng năm đối với ĐTTLĐ cấp tỉnh là 100 - 120 buổi, ĐTTLĐ cấp huyện, thị xã, thành phố là 80 - 90 buổi. Các ĐTTLĐ còn phải thực hiện nhiều hoạt động khác trong năm như tổ chức từ 1- 2 cuộc liên hoan, hội thảo, hội thi đội thông tin lưu động. Biên tập từ 7 - 11 tài liệu các chương trình tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ, phát hành tranh cổ động, các tài liệu tuyên truyền khác; mở từ 1 - 2 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thông tin cơ sở; biên tập, dàn dựng từ 3 - 6 chương trình tuyên truyền mới.
Theo phản ánh chung của các ĐTTLĐ ở các huyện, thị xã, thành phố, thì khó thực hiện được định mức tuyên truyền lưu động hằng năm theo quy định trên. Có ĐTTLĐ mỗi năm chỉ thực hiện được 20 - 30 buổi nhân dịp ngày kỷ niệm lớn của đất nước, các sự kiện quan trọng, một số nhiệm vụ chính trị, văn hóa, xã hội… Điều này xuất phát sự thiếu thốn về kinh phí và nhân lực. Do phải thực hiện nhiều hoạt động, các Trung tâm VH-TT-TT các huyện, thị xã, thành phố chỉ có thể chi một phần trong nguồn kinh phí được cấp hằng năm cho ĐTTLĐ. Phần lớn các ĐTTLĐ chỉ có được 1 - 2 biên chế chính thức, còn lại khi có đợt tuyên truyền thì mời lực lượng cộng tác viên. Mức bồi dưỡng theo quy định còn thấp, nên ĐTTLĐ buộc phải trả cao hơn nhiều thì các cộng tác viên mới tham gia. Vì vậy, ĐTTLĐ thường hết kinh phí khi chỉ mới thực hiện được một phần chỉ tiêu kế hoạch năm.
Để tháo gỡ những khó khăn nêu trên, Trung tâm VH -TT-TT các huyện, thị xã, thành phố cần có sự quan tâm hơn nữa đối với ĐTTLĐ, nhằm tìm ra những hình thức hoạt động linh hoạt trong điều kiện kinh phí hạn chế. Ông Châu Hồng Tâm cho biết: “Lãnh đạo Trung tâm VH-TT-TT Quy Nhơn đã chỉ đạo phải có những hình thức tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi. Được sự quan tâm tạo điều kiện, ĐTTLĐ đã được diễn kịch thông tin tuyên truyền thay cho các chương trình văn nghệ chào mừng trước khi khai mạc nhiều hội nghị, hội thi, hội diễn của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương. Chúng tôi cũng đã phối hợp với Đài Truyền thanh TP Quy Nhơn xây dựng những câu chuyện truyền thanh có thời lượng từ 5 - 7 phút, qua đó chuyển tải hiệu quả những nội dung thông tin tuyên truyền đến với đông đảo khán thính giả …”.
HOÀI THU