HLV đội tuyển trẻ wushu quốc gia Lê Công Bút:
“Tôi luôn mong học trò giỏi hơn mình”
Gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp VĐV, khi đã chuyển sang công tác huấn luyện, HLV Lê Công Bút luôn mong muốn đào tạo nên những học trò xuất sắc để chinh phục những danh hiệu mà anh chưa đạt được.
Võ sĩ của những trận đấu lớn
Không chỉ người dân Bình Định mà ngay cả những người đam mê võ thuật ở Việt Nam đều rất ấn tượng với tấm HCV SEA Games 22 (năm 2003) mà Lê Công Bút giành được. Bởi để trở thành vô địch hạng cân 48kg nội dung tán thủ môn wushu, anh đã vượt qua những đối thủ rất mạnh, trong đó có người đoạt chức vô địch thế giới trước đó 2 tháng.
* Giành HCV tại SEA Games 22 có phải là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời VĐV của anh?
Đúng vậy, đó là giải đấu lớn nhất mà tôi từng tham gia và đã giành được kết quả mỹ mãn. Dù đã nỗ lực tập luyện suốt một thời gian dài, nhưng quả thực tôi cũng không nghĩ mình có thể giành được tấm HCV. Đạt được thành tích đó ngay trên đất nước mình quả là tuyệt vời. Tôi không thể quên được cảm giác vỡ òa sau chiến thắng ở Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức (Hà Nội) hôm đó. Đã 10 năm rồi, nhưng mỗi lần nhớ lại tôi vẫn thấy rất tự hào.
* Lần đầu tiên tham gia một sân chơi lớn mang tầm khu vực, anh có bị áp lực tâm lý khi thi đấu?
Tôi biết thi đấu tại SEA Games sẽ phải đối mặt với nhiều võ sĩ rất mạnh, do đó tôi cứ tự đặt ra chỉ tiêu cho mình ở từng vòng đấu thành ra cũng không bị áp lực. Ngay cả trong trận chung kết, trước võ sĩ người Philippines vô địch thế giới ở Macao cách đó chưa lâu, tôi cũng không hề căng thẳng. Cũng phải nói thêm là trước đó chuyên gia của đội tuyển Việt Nam cùng tôi phân tích rất kỹ băng ghi hình những trận đấu của VĐV này, để đưa ra chiến thuật khắc chế lối đánh của đối phương. Quả thực khi áp dụng những chỉ dẫn của HLV, tôi thấy rất hiệu quả và giành chiến thắng chỉ sau hai hiệp đấu. Trước đó, trận đấu với võ sĩ người Myanmar ở bán kết mới hồi hộp và gay cấn.
* Còn ở đấu trường quốc gia, anh là VĐV Bình Định đầu tiên bảo vệ thành công HCV ở Đại hội TDTT toàn quốc (sau này có thêm Lê Ngọc Trai ở môn võ cổ truyền và Lê Minh Tùng ở môn wushu làm được điều tương tự), thành tích rất đáng tự hào…
Đó cũng là những kỷ niệm đẹp trong đời VĐV của tôi. Năm 2002, sau khi đội tuyển võ cổ truyền không giành được HCV nào ở Đại hội TDTT toàn quốc, lãnh đạo ngành thể thao không còn nhiều hy vọng ở các môn khác. Vì thế, bộ môn wushu cũng không nằm trong kế hoạch tham dự Đại hội TDTT. Tuy nhiên, tôi đã mạnh dạn đề đạt với anh Bùi Trung Hiếu để xin lãnh đạo Sở cho tôi được thi đấu. Và may mắn là tôi đã giành được HCV cũng ở hạng cân 48kg. Nhưng tấm HCV giành được ở Đại hội TDTT toàn quốc năm 2006 có lẽ gây được ấn tượng hơn, vì khi đó tôi đã gần 30 tuổi và nghỉ thi đấu 2 năm rồi.
Chiến thắng bằng ý chí
Khi chúng tôi đề nghị võ sư Bùi Trung Hiếu - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định - cho lời nhận xét ngắn gọn về HLV Lê Công Bút (người có thời gian dài gắn bó với ông), ông Hiếu vui vẻ nhận xét - Lê Công Bút là một người đầy ý chí và nghị lực. Đó cũng chính là yếu tố quan trọng nhất để anh vượt qua những khó khăn trong tập luyện và thi đấu để đạt thành công trong sự nghiệp võ sĩ. Ở Giải vô địch wushu toàn quốc năm 2000, Lê Công Bút không giành được huy chương, nhưng quan sát cách thi đấu và tập luyện của anh, ông Hoàng Vĩnh Giang (khi đó là Giám đốc Sở TDTT Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên đoàn wushu châu Á, Chủ tịch Liên đoàn wushu Đông Nam Á) đã đề nghị Ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam đưa anh vào đội dự tuyển. Và ông Giang đã không lầm khi sau đó chàng trai đất Võ thể hiện được khả năng một cách thuyết phục.
* Một VĐV tỉnh lẻ góp mặt ở đội tuyển quốc gia và phải cạnh tranh với nhiều VĐV khác để có suất thi đấu chính thức hẳn không hề đơn giản?
Những tháng ngày ở đội tuyển quốc gia quả là gian nan. Đặc biệt, khi đi tập huấn ở Trung Quốc, chúng tôi phải di chuyển qua nhiều tỉnh, thành để tập luyện và thi đấu cọ xát. Điều kiện ăn ở khá tốt, nhưng thời tiết khá khắc nghiệt, mùa đông rất lạnh, tuyết rơi đầy nhưng chúng tôi vẫn phải hoàn thành những giáo án rất nặng. Đó là chưa kể khi thi đấu cọ xát phải làm sao thể hiện được hết khả năng của mình, mà vẫn phải giữ để không bị chấn thương.
* Bạn bè anh còn kể rằng khi đó anh bị xuất huyết dạ dày nhưng không báo với HLV. Với một môn võ có khối lượng vận động cực lớn như tán thủ thì điều đó rất nguy hiểm.
Lúc đó tôi chỉ sợ rằng nếu Ban huấn luyện biết được sẽ trả về vì không đủ sức khỏe, nên âm thầm tự điều trị nhưng vẫn tập luyện đầy đủ. Bởi ở đội tuyển quốc gia mỗi hạng cân đều có đến 4 VĐV, mình không đạt phong độ cao hay có vấn đề về sức khỏe sẽ bị thay thế ngay.
* Nhắc lại một chút về Đại hội TDTT toàn quốc năm 2006, làm thế nào anh có thể giảm trọng lượng cơ thể từ 60kg xuống còn 48kg chỉ trong thời gian ngắn?
Sau SEA Games 23, tôi đã tính nghỉ thi đấu và thực tế đã chuyển sang làm trợ lý huấn luyện ở đội tuyển võ cổ truyền Bình Định. Nhưng khi Đại hội TDTT toàn quốc 2006 sắp diễn ra, HLV Bùi Trung Hiếu có đề nghị tôi thi đấu thêm một năm nữa. Sau khi nhận lời, tôi đặt quyết tâm giành HCV hạng cân 48kg nên đã tăng cường độ tập luyện lên rất nhiều. Thậm chí, khi vợ mới sinh đứa con đầu lòng được 1 tháng, tôi đã ra Hà Nội tập huấn để có sự chuẩn bị kỹ hơn. Giảm 12kg trong vòng 3 tháng mà vẫn phải có đủ sức khỏe để thi đấu quả là không đơn giản, nhưng may mắn là tôi vẫn đạt được mục tiêu đề ra.
Hết mình vì nghiệp võ
Đầu năm 2013, HLV Lê Công Bút được Tổng cục TDTT chỉ định làm HLV trưởng đội tuyển trẻ wushu quốc gia khu vực miền Trung. Đảm nhận nhiệm vụ xây dựng lứa VĐV kế cận để chuẩn bị cho Asian Games 18 năm 2019 diễn ra tại Việt Nam, anh xem đây là cơ hội tốt để tiếp cận với môi trường huấn luyện trình độ cao, để sau này có thể về đóng góp cho võ thuật quê nhà.
* Nhìn vào bảng thành tích trong quá khứ và công việc hiện tại của anh, có vẻ mọi việc diễn ra khá thuận lợi?
HLV Lê Công Bút sinh năm 1977, quê ở Phước Thắng, Tuy Phước. Tập trung đội tuyển võ cổ truyền Bình Định năm 1998. Thi đấu ở hạng cân 48kg. HCV SEA Games 22 (năm 2003); HCV Giải vô địch wushu toàn quốc năm 2001; HCV Đại hội TDTT toàn quốc các năm 2002 và 2006.
Từ năm học lớp 8, khi còn là học trò của võ sư Thanh Hoàng Thạnh, tôi đã thi đấu võ đài môn võ cổ truyền. Nhưng dường như tôi lại không có duyên thi đấu cho bộ môn này, vì đến giờ cũng chỉ có được một tấm HCĐ ở giải khu vực miền Trung năm 1999. Lúc đó, gia đình không ủng hộ tôi theo nghiệp võ mà muốn tiếp tục học văn hóa.
Năm 2001, sau khi giành HCV môn wushu ở giải toàn quốc, đạt chuẩn kiện tướng quốc gia, được tuyển thẳng vào Đại học TDTT, nhưng tôi cũng bỏ qua cơ hội đó để tập trung tập luyện và thi đấu. Quyết tâm gắn mình với những sàn đài là quyết định không hề dễ dàng. Đến giờ, tôi đã hoàn tất chương trình đại học và vừa thi vào cao học chuyên ngành TDTT, cha tôi rất hài lòng về những gì tôi làm được.
* Với một HLV đã giành được nhiều thành tích nổi bật như anh, hẳn các học trò sẽ thừa hưởng rất nhiều kinh nghiệm quý?
Tôi luôn nghiêm túc trong các buổi tập và muốn các học trò cũng vậy. Để giành được thành tích cao ở môn tán thủ, đòi hỏi VĐV phải tập luyện trong nhiều điều kiện khắc nghiệt. Từng là VĐV nên tôi rất hiểu và tôi cũng biết cách động viên học trò nỗ lực hết mình trong các buổi tập. Tôi luôn mong muốn những lứa học trò của mình sẽ giành được nhiều thành tích ấn tượng hơn nữa, phải giành được huy chương châu Á, thế giới.
* Anh có nghĩ, một ngày nào đó mình sẽ là HLV trưởng của đội tuyển tán thủ Việt Nam thi đấu tại SEA Games, hay một giải đấu mang tầm khu vực, thế giới?
Tôi tham gia công tác huấn luyện ở đội tuyển trẻ quốc gia không phải để chứng tỏ khả năng của mình hay mục đích gì khác, mà coi đây là cơ hội nắm bắt thêm những chương trình huấn luyện mới, sau này có điều kiện sẽ tham gia xây dựng các đội tuyển võ ở Bình Định. Khi ra nhận nhiệm vụ, tôi có dẫn theo một số học trò xuất sắc để đào tạo thành những võ sĩ giỏi, đóng góp tích cực cho quốc gia cũng như tỉnh nhà.
* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này. Chúc anh thành công trong sự nghiệp của mình!
LÊ CƯỜNG (thực hiện)
Bút vẫn giữ nguyên hình ảnh vận động viên chuyên nghiệp, hy vọng cậu sẽ cống hiến nhiều hơn nữa cho hình ảnh võ Bình Định. Đào tạo, tiềm kiếm tài năng, gầy dựng phát triển môn Wushu lớn mạnh và bền vững