Có một không gian xanh
Nhà phố khó tìm được miếng đất trống để trồng cây xanh. Nhưng thu xếp vén khéo, chủ nhà vẫn có thể tạo ra một khu vườn hoa nho nhỏ làm dịu mát không gian sống.
1.
Nắng hè gắt gỏng như sém cả da thịt. Vậy nên, tình cờ thấy giàn mướp xanh mướt lủng lẳng ở ngôi nhà số 149 đường Phan Chu Trinh (Quy Nhơn) người đi đường khó mà rời mắt được. Giàn mướp từ dưới đất leo lên tầng hai, phủ màu xanh hết mặt tiền ngôi nhà rồi bò lan qua nhà hàng xóm kế bên. Quả lủng lẳng từ trên cao thả xuống nửa lạ lẫm, nửa như trêu khách bộ hành.
Từ ngoài bước vào nhà lại thêm một khoảng không gian xanh nữa. Nắng trời trực tiếp chiếu xuống sân, quanh tường hàng chục chậu lan đang khoe sắc. Chị Trinh, nữ chủ nhân ngôi nhà, giới thiệu: “Ông xã tôi thích trồng lan, chơi cây cảnh lắm. Năm 2002 khi xây lại nhà, chúng tôi dành ra nửa lô đất làm sân trời, trồng cây cho thoáng”. Chồng chị, anh Phạm Văn Thủy, chia sẻ: “Nhà tôi ở hướng Tây nắng chiều rọi thẳng vào nhà, nóng lắm, nên 3 năm trước tôi trồng giàn mướp trước sân. Từ ngày có giàn mướp, nhà mát hơn nhiều, đã vậy còn có mướp ăn và biếu bè bạn, hàng xóm. Từ đầu mùa tới giờ tôi hái trên 60 quả rồi”. Tháng giêng anh gieo hạt, đến tháng 3, tháng tư (âm lịch) mướp bắt đầu cho trái, sang tháng 8 giàn mướp lụi dần. Chừng 3 tháng một lần anh lại chêm thêm hạt giống mới, mướp cứ thế mà lớn.
2.
Đã mấy năm nay khoảnh sân thượng gác một, gác ba của nhà cụ ông Lê Tấn Đài (88 tuổi, ở số 4A Đào Duy Từ, Quy Nhơn) được tận dụng từng chỗ trống một. Tầng một là cây ăn trái: bưởi, khế, chanh, ổi mận, ổi. Tầng ba là vườn rau xanh mùa nào thức nấy quanh năm, từ cải xanh, rau muống, khổ qua rừng đến rau tía tô, húng, quế. Bên trên, ông Đạt còn làm giàn cho mướp, dưa leo bò lên che cho đám cây ở bên dưới, che cho giàn phong lan ông chơi mấy chục năm qua. Mỗi ngày vợ chồng già leo lên leo xuống vài ba bận chăm sóc cây, hái rau.
Ngắm thành quả lao động của mình, ông Đài tự hào: “Từng tuổi này tôi vẫn góp phần làm ra của cải, cải tạo, bảo vệ môi trường sống. Tôi trồng, bón phân, bà nhà hái rau, bắt sâu. Từ ngày ăn rau nhà trồng tôi cũng ít bị đau bụng hơn trước”. Mỗi ngày đi lại, lên xuống “vườn” vài bận là cách ông tập thể dục. Rồi trong lúc chăm sóc cây, bắt sâu, tỉa lá ông suy nghĩ việc gì đó, giữ đầu óc luôn hoạt động tỉnh táo. “Người già nếu chỉ ăn và ít chịu vận động sẽ không tốt cho thể chất và tinh thần”, ông Đài nói.
3.
Mấy năm nay, phong trào sống xanh, tạo một không gian sống xanh - đẹp- an toàn là lựa chọn của nhiều người. Điều này, với số đông, có thể xuất phát từ việc mất an toàn thực phẩm. Rau xanh bị phun thuốc sâu, thuốc kích thích làm người tiêu dùng không an tâm nên tự làm vườn rau trong nhà phố. Chuyện tiết kiệm tiền chỉ là chuyện nhỏ so với sự yên tâm về chất lượng sản phẩm nhà tự làm, và cảm giác tận hưởng niềm vui thành quả lao động mình làm ra. Với người khác, đơn giản chỉ là ngắm một khoảng không gian xanh trong nhà mình- vốn bị bó hẹp bởi diện tích đất hạn chế; muốn tìm sự thoải mái, yên bình trong tâm hồn khi thấy một khoảng xanh hoa lá.
Một người quen tôi biết rất thành công trong lĩnh vực kinh doanh sản xuất đi làm trên xưởng thì thôi, chứ về đến nhà là chị lại lao vào chăm chút cho vườn rau -được tận dụng từ những khoảng trống của sân biệt thự. Vợ chồng chị thuê người đổ đất, phân thành từng khoảnh nhỏ trồng nhiều loại rau. Sáng, họ dậy thật sớm cùng chăm sóc vườn rau rồi mới đi tập thể dục. Nhắc đến vườn rau nhà mình, chị nói rất say sưa, đầy tự hào. Âu đó cũng là cách khuây khỏa nỗi nhớ các con nay đã xa nhà, chỉ hai vợ chồng trong căn biệt thự rộng lớn.
Nhiều người bạn làm việc trong lĩnh vực kinh doanh mà tôi biết còn cho rằng tự tạo một khoảnh không gian xanh hay tự làm vườn, với họ, là một cách xả stress hiệu quả. Về đến nhà thấy mảnh vườn rau xanh hoặc ngắm giàn bông giấy, mảng tường dây thằn đeo bám hay chậu hoa nhỏ đặt nơi góc nhà, tự dưng lòng dịu lại, tạm quên đi những ganh đua, khốc liệt ngoài thương trường. Cơn bực tức cũng được “hạ hỏa”.
4.
Cây xanh góp phần cải thiện không khí, hấp thụ CO2 và giải phóng oxy, giữ lại bụi và các loại chất ô nhiễm khác- về khoa học là như vậy. Còn giá trị tinh thần thì vô giá. Một không gian xanh, đôi khi chẳng cần cả một vườn, chỉ cần một nhánh xanh vươn lên thấp thoáng đâu đó ở vườn nhà hay trong phòng làm việc cũng gợi lên điều gì đó thật yên ả.
Anh Phạm Văn Thủy tâm sự: “Cảm giác thích nhất của tôi là mỗi khi đi làm về được ngồi dưới giàn hoa lan trò chuyện, khề khà với bạn bè. Mát mẻ và thoải mái, dễ chịu vô cùng”.
Bài, ảnh: NGUYỄN SƠN