Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Giảm thiểu chính sách cho không, tránh ỷ lại
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử giải đáp những thắc mắc về chính sách dành cho đồng bào dân tộc.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm và có nhiều chính sách cho vùng dân tộc miền núi, hệ thống chính sách ngày càng toàn diện và đồng bộ, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào vùng dân tộc miền núi.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, đến nay chính sách dân tộc cũng bộc lộ một số hạn chế như: Cơ chế thực hiện có môt số chính sách không còn phù hợp với từng vùng miền; nguồn lực thực hiện chính sách cũng còn thiếu… khiến cho một số các chính sách đến hết năm 2015 hết hiệu lực nhưng mục tiêu không hoàn thành, đối tượng thụ hưởng chính sách còn lớn.
Trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tuần này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử sẽ giải đáp những thắc mắc này của người dân.
Chúng tôi xin được chuyển đến Bộ trưởng câu hỏi đầu tiên từ một người dân cho biết: “Thưa Bộ trưởng, tôi là một người dân miền núi, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nơi tôi sống cũng không ít người còn phải lo ăn từng bữa, tôi có đọc báo, nghe đài thì được biết số hộ nghèo dân tộc thiểu số hiện nay chiếm khoảng trên 47% hộ nghèo cả nước, trong khi dân số người dân tộc chiếm chỉ 14,3 %. Chúng tôi vẫn biết người dân vùng cao khó phát triển kinh tế vì còn nhiều vấn đề cản trở như hạ tầng, giao thông. Tuy nhiên, ở cương vị người đứng đầu Ủy ban Dân tộc đã nhiều năm, ông có trăn trở gì trước con số này?"
Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Với trách nhiệm của những người làm công tác dân tộc, đây cũng là điều trăn trở lớn nhất của chúng tôi. Khoảng cách giàu nghèo giữa vùng dân tộc miền núi so với các vùng trong cả nước đang chênh lệch lớn, cả nước trên 5% mà trong khi ở vùng dân tộc miền núi là trên 40%.
Đây là vấn đề và chúng tôi thấy trách nhiệm của những người làm công tác dân tộc sẽ tiếp tục tham mưu về cơ chế chính sách để đồng bộ hơn, hỗ trợ cho đồng bào nhiều hơn làm sao để giảm nhanh khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền và của đồng bào dân tộc.
Có một thực tế là đời sống đồng bào vẫn còn gặp nhiều khó khăn, mặc dù hàng năm nguồn ngân sách hỗ trợ cho đồng bào không hề nhỏ. Ví dụ, năm 2014, tổng kinh phí ngân sách Nhà nước đã phân bổ để thực hiện 8 chính sách cho Ủy ban Dân tộc quản lý là hơn 5.200 tỷ đồng. Vậy còn những khó khăn gì khiến một số chính sách hết hiệu lực nhưng mục tiêu không hoàn thành, đối tượng thụ hưởng chính sách còn lớn?
Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Theo các Đề án được các cấp có thẩm quyền và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc Nghị quyết của Quốc hội thì các nguồn lực cho các chính sách này vẫn còn khiêm tốn. Ví dụ như Chương trình 135, tổng nguồn lực bố trí cho chương trình này mới hơn 64%, tổng tất cả chính sách do Ủy ban Dân tộc quản lý mới đạt hơn 48%; trong đó có nhiều chính sách có tỉ lệ thấp như chính sách nhà ở, đất ở mới được 10%, chính sách cho vay theo Quyết định 54 của Thủ tướng Chính phủ mới đạt 2,3%, tổng nguồn lực bố trí trong năm 2015 khoảng 6.000 tỷ đồng mà theo Kế hoạch của năm nay là 12.000 tỷ đồng.
Đây là một những nguyên nhân mà nhiều chính sách chưa được thực hiện hoàn chỉnh. Nói một cách khác, nhiều chính sách sẽ hết hiệu lực trong năm nay nhưng nhu cầu của người lại còn lớn, vì vậy chúng tôi đang báo cáo với Thủ tướng để chủ trì và quyết định cho các chính sách kế hoạch trung hạn 2016-2020.
Để các chính sách thực sự hiệu quả và hỗ trợ tích cực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì việc dựa vào nguồn kinh phí Nhà nước là yếu tố quan trọng, nhưng bên cạnh đó, ý tưởng của người quản lý, người đứng đầu như Bộ trưởng cũng rất quan trọng. Ví dụ như tận dụng các nguồn kinh phí từ xã hội hoá, hay tìm ra thế mạnh từng vùng miền để phát triển kinh tế đặc trưng từng vùng miền cho đồng bào. Vậy Bộ trưởng có những dự định, những ý tưởng như thế nào về vấn đề này?
Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Trong kế hoạch sắp tới, chúng tôi báo cáo với Thủ tướng sẽ dự kiến hai loại chính sách chính, một là chương trình 135 tiếp tục giữ nguyên và tích hợp lại từ 7-8 chính sách và có chỉnh lý, sửa đổi bổ sung hợp phần. Ví dụ chương trình 135 chỉ có hai hợp phần nhưng chúng tôi báo cáo với Thủ tướng đề nghị bổ sung hợp phần nâng cao năng lực của người dân. Giảm thiểu chính sách cho không, tránh tư tưởng ỷ lại của người dân.
Tới đây sẽ tăng cường chính sách cho vay, giảm cho không, tiếp tục xã hội hóa tăng cường sự đóng góp của các tổ chức trong nước, doanh nghiệp các nhà hảo tâm. Đồng thời tích cực phân cấp tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương để chủ động căn cứ vào tình hình thực tế, đưa ra những chính sách phù hợp. Qua khảo sát của chúng tôi thấy mỗi vùng miền có đặc điểm khác nhau vì thế phải cần những chính sách rất cụ thể.
Thưa Bộ trưởng, năm 2015 là năm kết thúc một loạt các chính sách dân tộc, Bộ trưởng có thể cho biết việc bố trí vốn Trung ương để thực hiện các chính sách dân tộc trong năm 2015 và thời gian tới đang được triển khai như thế nào?
Bộ trưởng Giàng Seo Phử: Chúng ta cần phải có sự rà soát lại những chính sách nào hết hiệu lực mà còn nhu cầu sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ chuyển sang kế hoạch trung hạn 2015-2020, tiếp tục thực hiện và không cần ban hành chính sách mới. Những chính sách hết hiệu lực mà nhu cầu không lớn thì loại bỏ.
Tới đây, cần sự quan tâm đặc biệt về nguồn lực chuyển dịch việc hỗ trợ tích cực khuyến khích cho vay với vùng đồng bào dân tộc, tất cả chính sách phải tăng định mức vay lên, còn những chính sách còn hiệu lực thì gom lại thành một quyết định chung của Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc giảm nghèo.
Và các Bộ, ngành địa phương khi có chính sách và nguồn lực phải triển khai nhanh chóng và giảm bớt các thủ tục phiền hà và tăng cường giải ngân cho đồng bào dân tộc miền núi.
Trong định hướng sắp tới chúng tôi đang trình Thủ tướng quyết định chính sách cho vùng đồng bào dân tộc để tăng cường, sắp xếp lại hợp lý. Tôi tin tưởng dưới sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành địa phương thì công tác dân tộc sẽ thu được nhiều kết quả tốt hơn.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!.
Theo VTV