Đại biểu lo vòng luẩn quẩn: Nghèo - Đi học - Thất nghiệp - Lại nghèo
Nhiều gia đình vay nợ cho học đại học với hy vọng thoát nghèo, nhưng sinh viên không kiếm được việc làm nên nghèo vẫn hoàn nghèo.
Sáng nay (8.6), thảo luận tại hội trường về về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về tình trạng thất nghiệp gia tăng, những bất cập trong giáo dục – đào tạo, năng suất lao động Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực…
Trường cứ dạy, sinh viên cứ thất nghiệp
Đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Vĩnh Long) bày tỏ sự lo ngại trước thực trạng thất nghiệp xảy ra trong đối tượng tri thức. Mỗi năm, một số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường rất lớn, nhưng kèm theo đó là nỗi lo việc làm. Nhiều sinh viên sau bao năm miệt mài trên ghế nhà trường nhưng không tìm được việc làm. Nhiều gia đình nghèo phải vay nợ cho con học tập nhưng học song, con cái họ không tìm được việc làm.
“Qua tiếp xúc cử tri, nhiều gia đình xin xóa nợ vì họ phải vay tiền để con em đi học mà con cái họ vẫn thất nghiệp” – ông Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.
Theo đại biểu, đây là trách nhiệm chung của toàn xã hội, các ngành các cấp. Đại biểu đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần có chính sách khả quan hơn, tích cực hơn tạo việc làm cho người lao động; Bộ Giáo dục – đào tạo phải bảo đảm chất lượng giáo dục, để sinh viên ra trường dễ kiếm việc làm.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cũng chia sẻ mối quan tâm của cử tri trước thực tế sinh viên ra trường thất nghiệp hàng loạt. Các trường thì cứ đào tạo, sinh viên thì cứ thất nghiệp. Nhiều gia đình phàn nàn là nhà nghèo nên vay nợ cho học hành đến nơi đến chốn với hy vọng thoát nghèo, nhưng rồi không kiếm được việc làm nên nghèo vẫn hoàn nghèo.
Cần thu hẹp khoảng cách năng suất lao động
Đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) dẫn lại đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc khoảng 10 lần. So với các nước có thu nhập trung bình trong khối ASEAN, năng suất lao của Malaysia gấp 5 lần năng suất lao động của Việt Nam, còn năng suất lao động của Thái Lan gấp 2,5 lần của Việt Nam.
Theo đại biểu Nguyễn Trung Thu, qua nghiên cứu thấy có một số nguyên nhân ảnh hưởng tới năng suất lao động, đó là cơ cấu kinh tế và lao động tuy có chuyển dịch nhưng tỷ lệ trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn cao; chất lượng nguồn lao động thấp, hiệu quả sử dụng lao động hạn chế; máy móc thiết bị, công nghệ lạc hậu; trình độ quản lý thấp...
Ông Nguyễn Trung Thu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp thu hẹp khoảng cách năng suất lao động giữa nước ta với các nước trong khu vực, tăng tiền lương thực tế, cải thiện đời sống lâu dài cho người lao động, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Luật Đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp đã được Quốc hội thông qua, đề nghị Chính phủ chỉ đạo thống nhất từ Trung ương tới địa phương, để quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học gắn với mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nhân lực có chất lượng cho đất nước.
Thi tốt nghiệp THPT quốc gia sao không hỏi ý kiến dân?
Về việc tổ chức kỳ thi Tốt nghiệp THPT quốc gia để xét tuyển vào đại học, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nhấn mạnh, cử tri Phú Yên chưa đồng ý với chủ trương này, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đồng ý tiến hành tổ chức triển khai vào năm nay.
Ông Nguyễn Thái Học đặt vấn đề: “Vì sao hàng chục ngàn con em Phú Yên phải vào Khánh Hòa để thi? Cha mẹ các em hiện đôn đáo mua vé tàu xe. Mỗi thí sinh đi thi thường kèm theo người thân, cho nên chi phí rất tốn kém. Tại sao chúng ta không làm thí điểm để rút kinh nghiệm? Vấn đề này tôi thấy không hỏi nhân dân, không tham khảo ý kiến của các chuyên gia, Mặt trận Tổ quốc mà đã triển khai, như thế là còn hời hợt”.
Về vấn đề chống tham nhũng, theo đại biểu Nguyễn Thái Học, cử tri bày tỏ sự thiếu tin tưởng. “Vì sao chúng ta đánh giá tham nhũng là nghiêm trọng, ngày một gia tăng, nhưng việc phát hiện, truy tố lại giảm 21%. Phải chăng chúng ta chưa chọc thủng bức màn che đậy tham nhũng? Cử tri cho rằng, Quốc hội thảo luận rất hay, nghị quyết ra rất đúng, rất trúng nhưng làm thì không đi đôi với nói” – ông Nguyễn Thái Học phát biểu.
Theo Lại Thìn (VOV)