Vĩnh Thạnh phát triển hệ thống truyền thanh
Vĩnh Thạnh là huyện miền núi của tỉnh, khoảng 98% dân số là người Bana và người kinh, trong đó người Bana chiếm gần 30%, đời sống còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây là địa phương có hệ thống truyền thanh phát triển khá đồng bộ từ huyện đến các xã, góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo đánh giá của Sở TT-TT, huyện Vĩnh Thạnh là một trong những “điểm sáng” về công tác quản lý và xây chương trình phát thanh từ Đài Truyền thanh-Truyền hình (TT-TH) huyện đến các Đài truyền thanh cơ sở (TTCS) xã, thị trấn.
Nỗ lực của Đài huyện
Đài TT-TH huyện Vĩnh Thạnh được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khá bài bản. Đến nay, về trang thiết bị, đài có 2 máy quay, 10 máy tính, 4 máy ghi âm, 2 máy thu chương trình, đặc biệt đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên khá lành nghề và yêu nghề đã phát huy tốt hiệu quả công việc.
Một buổi thu chương trình tại Đài TTCS xã Vĩnh Thuận.
Bà Đinh Thị Nơk, Trưởng Đài TT-TH huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Chúng tôi tự hào khi nói rằng, chúng tôi đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Tuy là Đài ở huyện miền núi nhưng có không ít “cây bút” gây dấu ấn trong bạn nghe đài qua các bài viết, thông tin kịp thời như Xuân Dũng, Long Vũ... Các “nhà báo huyện” này đạt nhiều giải thưởng của Đài PT-TH tỉnh, Báo Bình Định…”.
Nâng cao chất lượng nội dung các chương trình phát sóng luôn là mối quan tâm của lãnh đạo Đài. Thông tin kịp thời, phong phú, phù hợp với nhiều đối tượng nghe đài là tiêu chí mà cán bộ, nhân viên Đài TT-TH Vĩnh Thạnh phấn đấu nhiều năm. Năm 2014, Đài đã tổ chức thực hiện 2 chương trình truyền hình trực tiếp: Kỳ họp HĐND huyện lần thứ 7 khóa X và Kỳ họp HĐND huyện lần thứ 8 khóa X (nhiệm kỳ 2011- 2016). Đồng thời, Đài tổ chức sản xuất và phát sóng 261 chương trình (phát sóng từ chiều thứ Hai đến sáng thứ Bảy hàng tuần), thời lượng mỗi chương trình là 30 phút. Trong đó, có 26 chuyên mục “Nông nghiệp và nông thôn”, 26 chuyên mục “An ninh Vĩnh Thạnh”, 26 chuyên mục “Toàn dân tham gia xây dựng Nông thôn mới”, 34 chuyên mục “Toàn dân tham gia bảo vệ rừng” và 13 chương trình phát thanh mừng Đảng, mừng Xuân nhân dịp Tết Giáp Ngọ. Ngoài ra, Đài còn sản xuất và phát sóng 52 chương trình phát thanh tiếng Bana (phát sóng vào chiều thứ Bảy, sáng Chủ nhật và phát lại sáng thứ Hai); sản xuất 12 chương trình tiếng Bana và 4 chương trình chuyên đề tiếng phổ thông phát trên sóng Đài PT-TH Bình Định.
Chú trọng chất lượng truyền thanh cơ sở
Không chỉ ở cấp huyện, nhiều năm qua huyện Vĩnh Thạnh chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống đài TTCS các xã, thị trấn.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 8 đài TTCS. Trong đó, có 7 đài truyền thanh vô tuyến và 2 đài truyền thanh hữu tuyến với lực lượng cán bộ, nhân viên 20 người. Về cơ sở vật chất, hiện nay, trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh có 135 cụm loa của các Đài TTCS (270 loa), 53/57 thôn, làng có loa truyền thanh, đáp ứng khoảng 90% nhu cầu nghe đài của nhân dân.
“ Chúng tôi tự hào khi nói rằng, chúng tôi đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Tuy là Đài ở huyện miền núi nhưng có không ít “cây bút” gây dấu ấn trong bạn nghe đài qua các bài viết, thông tin kịp thời như Xuân Dũng, Long Vũ... Các “nhà báo huyện” này đạt nhiều giải thưởng của Đài PT-TH tỉnh, Báo Bình Định…”
Bà ĐINH THỊ NƠK, Trưởng Đài TT-TH huyện Vĩnh Thạnh
Ở các xã việc tiếp sóng khó khăn như làng O2 (xã Vĩnh Kim) và một số làng ở xã Vĩnh Sơn không tiếp âm được đài cấp trên, bộ phận kỹ thuật Đài TT-TH huyện đã ứng dụng phần mềm máy tính để truyền tải chương trình xuống tận cơ sở, phục vụ bạn nghe đài, đảm bảo bà con không bị “thưa vắng thông tin”. “Tui vẫn siêng nghe đài. Từ ngày xã sắm thêm cái loa, tui đỡ phải đi xa. Bao nhiêu chính sách, chủ trương, chuyện làng, chuyện xóm đều đủ cả. Tui ưng cái bụng lắm!”, ông Đinh Soát (tuổi ngoài 60, ở làng K6, xã Vĩnh Kim), vui vẻ nói.
Được sự quan tâm của ngành cấp trên, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, các Đài TTCS không chỉ được tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị mà còn chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý, biên tập chương trình. Trong năm 2014, có 7 lượt cán bộ Đài TTCS tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do tỉnh tổ chức và 9 cán bộ quản lý tham gia các lớp quản lý do huyện tổ chức. Thông qua các lớp tập huấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ các Đài TTCS ngày càng được chuẩn hóa và nâng cao.
Các Đài TTCS xã Vĩnh Quang, Đài TTCS xã Vĩnh Hảo là những đài được đánh giá hoạt động khá tốt trong hệ thống Đài TTCS của huyện Vĩnh Thạnh. Chị Nguyễn Thị Trúc Luy, Trưởng Đài TTCS xã Vĩnh Quang, cho biết: “Tôi gắn bó với nghề cũng đã gần chục năm. Mặc dù mức trợ cấp còn khá khiêm tốn nhưng anh em trong Đài luôn đoàn kết, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vừa rồi, tại Liên hoan Chương trình phát thanh do huyện và Sở tổ chức, Đài TTCS xã Vĩnh Quang đã giành các giải Nhất và Khuyến khích”. Còn ông Nguyễn Đình Thoại, Trưởng Đài TTCS xã Vĩnh Hảo, chia sẻ: “Trong 2 năm 2012 và 2014, Đài TTCS Vĩnh Hảo luôn là đại diện của huyện tham gia dự thi và đoạt giải Ba, giải Nhất tại Liên hoan Chương trình phát thanh do Sở TT-TT tổ chức”.
KIM CƯƠNG