Lặng thầm trên hành trình loại trừ sốt rét
Năm 1992, cả tỉnh ghi nhận trên 4.000 ca sốt rét, trong đó có 49 ca tử vong. Năm 2014, số ca mắc chỉ còn 395, không có tử vong. Đó là thành quả đáng kể của ngành Y tế tỉnh nhà, đặc biệt là nỗ lực của Trung tâm Phòng chống sốt rét - Các bệnh nội tiết tỉnh trên lĩnh vực dự phòng. Góp phần không nhỏ vào thành quả đó không thể không nhắc đến Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Xuân Thuận, Giám đốc Trung tâm.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, chàng trai quê hương “năm tấn” Hoàng Xuân Thuận đi bộ đội ở biên giới phía Bắc. Năm 1985, anh bắt đầu vào học Trường ĐH Y Thái Bình. 6 năm sau, anh đi khắp nơi kiếm việc, rong ruổi vào tận TP Hồ Chí Minh. Nhưng rồi, sau lần vào thăm một người bà con ở Quy Nhơn, thấy con người và phong cảnh đều hiền hòa, hợp với mình nên anh quyết tâm chọn nơi đây là bến đỗ.
Xét nghiệm mẫu máu để xác định ký sinh trùng sốt rét tại Trung tâm Phòng chống sốt rét - Các bệnh nội tiết tỉnh.
Một thời gian khổ
Tháng 12.1992, Hoàng Xuân Thuận chính thức nhận công tác tại Trạm Sốt rét - Bướu cổ, là bác sĩ thứ 3 của Trạm. Năm 1998, Trạm được nâng cấp thành Trung tâm Phòng chống sốt rét - Các rối loạn thiếu i-ốt, năm 2007 đổi tên thành Trung tâm Phòng chống sốt rét - Các bệnh nội tiết như bây giờ. Từ dạo ấy đến nay, Trung tâm có đến 3 lần di chuyển trụ sở. Bác sĩ Hoàng Xuân Thuận hiện là 1 trong 4 người gắn bó lâu năm với Trung tâm, không chỉ từ những lần “thay tên chuyển nhà”, mà còn nếm trải những gian khổ của công tác y tế dự phòng một thời thiếu thốn trăm bề.
Những năm 90 của thế kỷ trước, khi xe cộ, đường sá chưa thuận tiện như bây giờ, những “chiến sĩ” diệt sốt rét đã tìm đến những vùng đất xa xôi như Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh), Canh Liên (Vân Canh), Đắk Mang (Hoài Ân), An Toàn (An Lão)… Ngay cả thôn 1 - khu dân cư xa nhất của xã An Toàn, cũng đã in dấu chân của Hoàng Xuân Thuận và các đồng nghiệp.
“Từ Quy Nhơn bắt xe đò, bỏ xe đạp lên trần ra Bồng Sơn (Hoài Nhơn), từ Bồng Sơn đạp xe lên An Hòa (An Lão). Từ đây, bắt đầu hành trình cuốc bộ đến từng thôn, làng xa xôi ở An Nghĩa, An Vinh, An Toàn. Chúng tôi mang đầu video lên chiếu phim tuyên truyền; rồi lấy máu xét nghiệm, bắt muỗi, khám bệnh, phát thuốc. Các bệnh do thiếu i-ốt cũng không kém phần nóng bỏng, nên anh em phải đi từng nhà, gặp từng người, thậm chí gặp ngoài nương cũng cố thuyết phục cho họ uống từng viên Lipiodol; rồi lấy muối i-ốt mang theo để trộn vào muối của đồng bào”, bác sĩ Thuận nhớ lại.
Ít ai biết, cán bộ y tế phải lấy thân mình làm mồi để bắt muỗi, người đi bắt muỗi đâu được tắm xà phòng, phải “nói không” với nước hoa, dầu thơm. “Mắc sốt rét là “chuyện thường” với những người đi bắt muỗi trừ sốt rét”, kỹ sư kỳ cựu Lê Văn Dũng, hiện là Trưởng phòng Kế hoạch - Tổ chức - Hành chính của Trung tâm, nói vui mà rất thật từ chính trải nghiệm bản thân.
“Cuộc chiến” chưa hồi kết
53 tuổi, bác sĩ Hoàng Xuân Thuận đã có đến 23 năm gắn bó với Trung tâm Phòng chống sốt rét - Các bệnh nội tiết tỉnh. Nhìn lại chặng đường đó, anh bảo, cái đáng để anh chia sẻ nhất là đã cố gắng hết mức và tạo được sự đoàn kết, thống nhất ở đơn vị mình. “Luôn đề cao tính dân chủ, tôn trọng ý kiến tập thể, nên mình chỉ đóng vai trò định hướng, anh em bàn bạc, thống nhất triển khai từng hoạt động của đơn vị. Việc nhỏ là chọn những trang thiết bị thiết yếu nhất để mua sắm, việc lớn như triển khai hoạt động của phòng khám. Năm 1997, chúng tôi chỉ mới khám bướu cổ; năm 2006 triển khai khám BHYT bướu cổ, điều trị bệnh giun sán; năm 2010 có thêm bệnh đái tháo đường…”, bác sĩ Thuận chia sẻ. Anh quả quyết rằng, nội bộ ổn định chính là điều kiện thuận lợi để anh em tập trung dồn sức cho chuyên môn. Bởi, tình hình sốt rét trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên luôn diễn biến phức tạp, một số tỉnh trong khu vực số ca mắc vẫn tăng cao, hằng năm vẫn có nhiều ca tử vong do sốt rét. Nguy cơ sốt rét kháng thuốc cũng đang dần hiện hữu. Bên cạnh đó là nỗi lo về tình trạng bùng phát bệnh đái tháo đường.
Và như thế, “cuộc chiến” vẫn tiếp tục. Dù tình hình dịch bệnh còn phức tạp, dù đơn vị vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn (về kinh phí hoạt động) và thiếu thốn (nhân lực, trang thiết bị), nhưng không vì thế mà các “chiến sĩ” “chồn chân” trên hành trình bảo vệ sức khỏe nhân dân.
NGUYỄN VĂN TRANG