Dịch liên ký hiệu: Giữa văn học và điện ảnh
1. Khi bàn về các phương diện ngôn ngữ của việc chuyển dịch, nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Roman Jakobson có phân biệt 3 loại hình dịch: Dịch nội ngữ - chuyển từ cách diễn đạt này sang cách diễn đạt khác trong cùng một ngôn ngữ; dịch liên ngữ - chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác; và dịch liên - ký hiệu (intersemiotic translation) - nghĩa là chuyển từ một văn bản viết sang một hệ thống ký hiệu phi từ vựng khác, chẳng hạn, chuyển thể một tác phẩm văn học thành phim hay thành kịch. Trong lĩnh vực văn học và điện ảnh, hình thức dịch liên ký hiệu là nhịp cầu nối kết, thông qua đó, hệ thống ngôn từ của tác phẩm văn học được chuyển hóa thành một hệ thống ký hiệu khác, về cơ bản là hình ảnh, âm thanh. Và nhờ vậy, cái thế giới gián tiếp ám gợi trên trang sách, qua những con chữ, được chuyển hóa thành cái thế giới trực tiếp sống động của âm thanh và hình ảnh. Đây là một hiện tượng mang tính toàn cầu, gắn bó mạnh mẽ với nền văn hóa đại chúng hiện nay.
Cảnh trong phim Cuốn theo chiều gió - một trong những “”đứa con lai” điện ảnh và văn học tiêu biểu nhất.
2. Với việc tác phẩm văn học được chuyển thể lên màn ảnh, người ta chứng kiến sự chuyển dịch của các hệ hình văn hóa: từ văn hóa đọc chuyển sang văn hóa nghe – nhìn; từ hình tượng nghệ thuật gián tiếp trở thành hình tượng trực tiếp, có thể nhìn thấy bằng mắt, nghe thấy bằng tai. Giữa văn học và điện ảnh, có mối quan hệ vừa khác biệt, vừa tương đồng, trong khả năng tái hiện lại bức chân dung muôn mặt của đời sống và chiều sâu nội tâm của con người. Nhiều ý kiến cho rằng, tác phẩm văn chương là lời kể về một thế giới hiện hình, còn điện ảnh là cả thế giới hiện hình cụ thể để kể một câu chuyện, như quan niệm của nhà phê bình điện ảnh Pháp Jean Miltry: “Tiểu thuyết là một truyện kể tự cấu tạo mình trong thế giới, còn điện ảnh là một thế giới tự cấu tạo mình thành chuyện kể”.
Nhìn lại lịch sử của mối lương duyên văn học và điện ảnh, ta thấy có những “đứa con lai” kinh điển giữa hai loại hình nghệ thuật này. Một trong những trường hợp tiêu biểu nhất là cuốn tiểu thuyết và bản chuyển thể điện ảnh tác phẩm Cuốn theo chiều gió của nữ nhà văn Mỹ Magaret Mitchell. Đây là cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh từ Cuộc nội chiến của nước Mỹ, xoay quanh nhân vật trung tâm là Scarlett O'Hara, một cô gái miền Nam xinh đẹp, thông minh, mạnh mẽ với nhiều suy nghĩ và đời sống nội tâm hết sức phóng khoáng. Khi đọc cuốn tiểu thuyết này, mỗi người đọc sẽ hình dung cho mình một nàng Scarlett O'Hara riêng, tùy vào cảm nhận và khả năng tưởng tượng. Nhưng khi xem bộ phim Cuốn theo chiều gió của đạo diễn Victor Fleming, mọi người lại nhìn thấy một nàng Scarlet cụ thể với mái tóc dài qua bờ vai, với vẻ đẹp kiêu kỳ, ngoại hình và khuôn mặt của nữ diễn viên xinh đẹp Vivien Leigh. Cho đến nay, bộ phim này vẫn dẫn đầu trong danh sách 100 bộ phim thành công nhất mọi thời đại về doanh thu ở Mỹ (đạt 5,4 tỉ đô la). Ngoài ra, cũng có thể nhắc đến những tác phẩm văn học và bản chuyển thể điện ảnh hết sức thành công khác như: Đồi gió hú, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Những cây cầu ở quận Mandison, Harry Potter…
Trên phương diện nghệ thuật, cả văn học và điện ảnh, lắm lúc chuyển hóa lẫn nhau trong thủ pháp thể hiện, có cả một tiểu loại tiểu thuyết gọi là “tiểu thuyết điện ảnh”. Marguerite Duras - nhà văn, đồng thời là người viết kịch bản điện ảnh, là đại diện tiêu biểu cho sự kết hợp hài hòa này. Cuốn tiểu thuyết Người tình của Duras, là một tiểu thuyết được viết dưới thủ pháp điện ảnh, với những cảnh, những màn, nghệ thuật cắt dán, sự chuyển dịch điểm nhìn, góc máy… Bà từng trình bày quan niệm của mình về sự tương ứng giữa tiểu thuyết và điện ảnh như thế này: “Trước sách, là hư vô. Trước phim, là sách. Nói vậy không có nghĩa là hạnh phúc - phim và hạnh phúc - sách là như nhau… Tôi coi điện ảnh là một sự hỗ trợ việc viết, nghĩa là thay vì viết trên giấy trắng, người ta viết trên hình ảnh”.
3. Cả văn học và điện ảnh đều là những loại hình nghệ thuật mang tính tổng hợp, nó thâu nhận vào mình những đặc trưng của âm nhạc, của hội họa; trong điện ảnh đã có văn học và trong văn học có điện ảnh. Dĩ nhiên, việc chuyển dịch liên ký hiệu văn học - điện ảnh không phải bao giờ cũng đạt đến những hiệu ứng nghệ thuật - thẩm mỹ như mong muốn. Như mới đây, cuốn tiểu thuyết gây tranh cãi của nhà văn Anh E.L.James: 50 Sắc thái, qua chuyển thể điện ảnh của đạo diễn Sam Taylor - Johnson, chỉ là một bộ phim thuần túy thương mại, giải trí, không thể biểu hiện được tinh thần của tác phẩm. Ý đồ nghệ thuật, diễn xuất của diễn viên không nhận được đánh giá tích cực, vì làm sai lệch quá nhiều giá trị của bộ tiểu thuyết. Dĩ nhiên, chúng ta cũng cần nhận thấy rằng, những chuyển dịch liên ký hiệu không bao giờ là toàn vẹn, và rất khó có thể đạt đến hiệu quả nghệ thuật tương đương; chưa kể đến việc ý đồ của người chuyển thể kịch bản phim và đạo diễn không trùng khớp với tác giả văn học. Ngoài ra, phải tính đến những tác động của thị trường, những yêu cầu của thị hiếu khán giả… chi phối quá trình làm ra một sản phẩm điện ảnh.
Ngày nay, sự lên ngôi của văn hóa nghe - nhìn khiến cho việc chuyển dịch từ văn học sang điện ảnh diễn ra nhanh chóng và rộng khắp. Càng ngày, càng có nhiều người tìm đọc một cuốn tiểu thuyết, sau khi đã xem bộ phim chuyển thể, lấy cảm hứng từ nó. Sự thay đổi ấy, cho thấy những khả thể mới của đời sống văn hóa đương đại, nơi sự đan xen, kết hợp, hòa trộn giữa các thể loại, các lĩnh vực là một đặc điểm hết sức quan trọng và phổ biến.
LÊ MINH KHA