Của cho không bằng cách cho!
Nhóm bạn trẻ quyên góp quần áo cũ để tổ chức một chuyến thiện nguyện đến bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại một xã miền núi nghèo.
Chỉ chục ngày truyền thông tin miệng, trên mạng xã hội, email, nhóm đã nhận được một cơ số đồ khá lớn. Các thành viên hồ hởi bắt tay vào công cuộc phân loại đồ để chuyển đến từng đối tượng phù hợp. Sau mươi phút khui các bao đồ, sự háo hức của họ biến mất. Nguyên nhân của việc tinh thần “tụt dốc không phanh” này là bởi các món đồ được người cho dán nhãn từ thiện lại mang dáng vẻ của dọn tủ cho đỡ chật, hay nặng lời hơn là “vứt rác”. Quần áo nhàu nhĩ, mốc meo có, rách có và bốc mùi cũng… có nốt.
Họ bức xúc. Cũng mang nghĩa là cho đi những gì mình có thể chia sẻ được nhưng thái độ cho lại không đúng. Vật được cho có thể không còn đẹp lắm, có thể chật, rộng nhưng ít nhất nó phải còn sử dụng được. Và giá như, người cho nghĩ về người được nhận, đối xử với người được nhận như một người bạn thì có lẽ tấm áo họ gửi đến cho nhóm đã khác.
Ông bà ta có câu “của cho không bằng cách cho”. Thái độ của sự cho sẽ đáng quý nếu người cho kèm theo cả tấm lòng. Khi ấy, quần áo cũ sẽ không dừng lại ở ý nghĩa là một món quà mà còn là một lời động viên với cả người đi vận động lẫn người được nhận.
HÀ THANH