Chất lượng giáo viên dạy nghề: Nhìn từ một hội giảng
Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn tỉnh vừa bế mạc ngày 6.6. Từ Hội giảng, giáo viên, các cơ sở dạy nghề và cả cơ quan quản lý có dịp nhìn nhận và đánh giá đúng năng lực giáo viên dạy nghề, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đào tạo nghề trên địa bàn.
Hầu hết các tiết trình giảng đều kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực hành.
- Trong ảnh: Giáo viên Nguyễn Thị Ngọc Thúy (thứ hai từ phải sang)- Trung tâm Dạy nghề Tây Sơn, hướng dẫn học viên thực hành ủ rơm khô bằng urê, làm thức ăn cho trâu, bò thịt.
Nhiều tiết giảng chất lượng
Đăng ký tham gia Hội giảng giáo viên dạy nghề cấp tỉnh năm nay có 40 giáo viên thuộc 14 cơ sở dạy nghề. Song, do Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc điều chỉnh thời gian tổ chức sớm hơn dự kiến, Ban tổ chức đã tuyển chọn 28 bài giảng tiêu biểu để trình giảng. 8 tiết giảng trình độ cao đẳng nghề, 6 tiết giảng trình độ trung cấp nghề và 14 tiết giảng trình độ sơ cấp nghề vừa qua đều được đánh giá cao về chất lượng.
Điểm nổi bật trước hết là giáo viên đã tiếp cận với công nghệ mới, kết hợp các phương pháp dạy truyền thống làm bài giảng sinh động, giúp người học dễ tiếp thu. Ở nội dung thực hành, hầu hết giáo viên dự thi đều sử dụng phương pháp tổ chức cho học sinh làm việc theo nhóm, xây dựng ý thức phối hợp trong công việc, giúp những người thợ tương lai làm quen với vị trí làm việc trong các dây chuyền sản xuất. Đáng nói, nhằm phát huy tính chủ động, tích cực của người học trong chiếm lĩnh kiến thức, thể hiện vai trò trung tâm của sinh viên tại lớp học, một số thầy cô đã chú trọng đặt câu hỏi gợi mở. Các tiết giảng đạt số điểm cao của năm nay đều là những tiết giảng thể hiện được những ưu điểm này. Có thể kể đến như: Thầy Nguyễn Ngọc Vinh - Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn với tiết giảng “Sử dụng SQL Command với thuộc tính Parameters”; thầy Nguyễn Văn Loi - Trường Cao đẳng nghề Cơ điện- Xây dựng và Nông lâm Trung bộ với bài giảng: “Mạch ổn áp dùng IC LM317”; thầy Trịnh Văn Thức - Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ giao thông vận tải Bình Định với tiết giảng “Tập lái xe lùi trong hình chữ chi”…
Ông Lê Văn Nghinh, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH, cho biết thêm: “Vẫn còn một số tiết giảng chưa đạt yêu cầu như: kỹ năng giao tiếp với học sinh chưa tốt, chưa có câu hỏi mang tính gợi mở để học sinh độc lập tư duy, đặt câu hỏi ngược lại giáo viên, phân phối thời gian giữa các phần chưa hợp lý… Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, Hội giảng lần này là bước hoàn thiện về phương pháp dạy học của giáo viên, chuẩn bị cho những đổi mới về phương pháp dạy nghề trong thời gian tới”.
Giáo viên dự thi đều sử dụng phương pháp tổ chức cho học sinh làm việc theo nhóm, xây dựng ý thức phối hợp trong công việc.
- Trong ảnh: Giáo viên Lê Văn Thí (phải) theo dõi sinh viên thực hành theo nhóm tại bài giảng “Đấu nối, vận hành mạch điện mở máy trực tiếp động cơ KĐB 3 pha rô to lồng sóc”.
Học hỏi và nhân rộng
Tổ chức 2 năm một lần, Hội giảng giáo viên dạy nghề cấp tỉnh thực sự là dịp sinh hoạt chuyên môn bổ ích đối với những người trong ngành. Không chỉ được thể hiện năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề của bản thân, các giáo viên còn có dịp học hỏi đồng nghiệp. Giáo viên Nguyễn Ngọc Vinh - 30 tuổi, Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn - tâm sự: “Với những người đứng lớp còn trẻ tuổi đời, tuổi nghề như tôi, Hội giảng là nơi để học tập, rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ và cả sự tự tin, bản lĩnh. Năm nay, tôi thật sự tâm đắc với những nhận xét, góp ý tâm huyết của ban giám khảo. Tôi sẽ tiếp thu và vận dụng để luôn có được những tiết giảng chất lượng”.
Là nơi chia sẻ kinh nghiệm, tôn vinh những cá nhân điển hình với những tiết dạy chất lượng, nhưng thông điệp của Hội giảng nhấn mạnh ở việc cần nhân rộng hơn nữa các tiết giảng hay đến lớp học hàng ngày. “Không nên chỉ là những bài giảng chất lượng được phô diễn duy nhất ở Hội giảng mà phải được nhân rộng, được bổ sung theo thời gian. Chúng tôi hy vọng, đội ngũ giáo viên dạy nghề trong tỉnh ý thức được quan điểm “Dạy là để học và học là để dạy” để luôn tìm tòi, sáng tạo, nhân rộng các tiết giảng hay”, ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, chia sẻ.
Cũng dịp này, những người làm công tác quản lý Nhà nước có cách nhìn nhận, đánh giá đúng hơn về thực trạng năng lực giảng dạy của đội ngũ giáo viên dạy nghề, từ đó có những chính sách về đầu tư trang thiết bị, phương tiện dạy học cũng như đổi mới phương pháp và ứng dụng các phương tiện hiện đại cho phù hợp.
NGUYỄN MUỘI
Chào tòa soạn và PV NM! Tôi đồng ý với các nội dung bạn nhận xét trong bài viết. Nhưng đến phần kết bạn cho rằng "công tác quản lý Nhà nước có cách nhìn nhận, đánh giá đúng hơn về thực trạng năng lực giảng dạy của đội ngũ giáo viên dạy nghề, từ đó có những chính sách về đầu tư trang thiết bị, phương tiện dạy học cũng như đổi mới phương pháp và ứng dụng các phương tiện hiện đại cho phù hợp" là không phù hợp nếu thực trạng năng lực của đội ngũ GV như vậy thì Sở Lao động và các trường cần thực hiện các nội dung: Bồi dưỡng cho độ ngũ; cấp khinh phí cho các trường; Có chính sách đãi ngộ cho GV; tăng cường kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học cho GV; Thường xuyên đưa giáo viên đến các doanh nghiệp để học hỏi kinh nghiệm thực tế sản xuất.... và còn nhiều vấn đề khác. Chứ đầu tư thiết bị, phương tiện thì yếu tố phụ thôi mà hiện nay thiết bị các cơ sở của tỉnh đầu tư cả mấy trăm tỷ vẫn đắp chiếu thôi (vì đâu có người học). Chúc thành công!