Những đứa trẻ chào đời trong trại giam
Ghi chép
Trại giam vốn không phải là chỗ dành cho những bà mẹ mang thai, càng không phải là nơi dành cho em bé mới chào đời. Song vì vài lý do đặc biệt nào đó, vẫn có những ngoại lệ.
Tại Phân trại 2 thuộc Trại giam Kim Sơn (Bộ CA đóng trên địa bàn xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân) có 4 trường hợp như vậy. Thời điểm bị đưa vào trại giam để thụ án, những nữ phạm nhân không hề biết rằng mình đã có một sinh linh tượng hình. Họ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc phạm tội trong khi chưa được xóa án tích nên không thể được phép hoãn thi hành án để sinh con.
Nhà trẻ đặc biệt
Không cần giở hồ sơ của các nữ phạm nhân, đại úy Nguyễn Thị Hồng Ái, Đội phó Đội Hồ sơ- Giáo dục Trại giam Kim Sơn, nhớ cụ thể từng trường hợp: “Như trường hợp phạm nhân Phạm Thị Tanh, khi khám sức khỏe cán bộ y tế phát hiện bụng to nên hỏi có thai không, chị ấy nói không biết, đưa xuống Trung tâm y tế huyện khám thì đúng là có thai. Phạm nhân Nguyễn Thị Thanh Tịnh khi được đưa vào đây cứ hỏi các nữ phạm nhân lớn tuổi khác sao trong bụng cứ có cái gì cựa quậy miết, cho đi kiểm tra thì thai gần 5 tháng rồi”.
Con của phạm nhân Phạm Thị Tanh (SN 1984, người dân tộc Hre, ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, bị xử 18 năm tù) hiện đã 17 tháng tuổi tên là Phạm Thị Ngọc Ánh có nước da bồ quân, trông rắn rỏi, khỏe khoắn. Khác với bé Ánh khóc ngằn ngặt, bám lấy mẹ vì sợ người lạ, bé Nguyễn Bảo Hân (sinh ngày 1.9.2014) con của phạm nhân Nguyễn Thị Thanh Tịnh (SN 1993, ở phường Đập Đá, thị xã An Nhơn, án phạt 18 tháng tù vì tội trộm cắp tài sản) lại rất “dạn”. Nước da trắng bóc, bé cười luôn miệng khoe mấy chiếc răng sữa nhỏ xinh, hết nhìn rồi cười với người lạ.
Con của nữ phạm nhân Nguyễn Thị Thu Thùy (SN 1996, ở Đức Lợi, Mộ Đức, Quảng Ngãi, bị án phạt 18 tháng tù vì tội trộm cắp tài sản) tên Nguyễn Bảo Hân được 11 tháng tuổi. Lớn nhất là bé trai Mai Hồ Thanh Hải (sinh ngày 22.6.2013) con của phạm nhân Mai Trung Tuyết Thảo (SN 1989, ở xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ) 24 tháng tuổi. Sau khi vào thụ án (11.2014), Thảo nhờ người đưa con từ Phú Yên vào ở cùng với mình vì không có ai nuôi giúp.
Đại úy Ái nhận xét, đi làm giấy khai sinh cho các bé, rắc rối nhất là bé Mai Hồ Thanh Hải vì vừa khai sinh muộn vừa không có giấy chứng sinh. Bé sinh năm 2013 nhưng đến khi vào sống cùng mẹ (tháng 1.2015) mới được làm Giấy khai sinh. Vì Thảo không còn giấy chứng sinh của con nên Trại giam Kim Sơn phải nhờ CA tỉnh Bình Định xác minh thông tin ngày giờ sinh của bé Hải tại BVĐK TP Quy Nhơn- nơi Thảo khai đã sinh con.
Được ưu tiên hơn con cán bộ, chiến sĩ
Một ngày cuối tháng 5.2015, dẫn chúng tôi vào thăm các bé đang ở chung với mẹ tại Phân trại 2, đại úy Hồng Ái không quên mang theo quà nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6 cho các bé vì “ngày lễ của trẻ con, có chút quà cho các cháu mừng”, chị nói. Ngày lễ, Tết, Trung thu, thậm chí là ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3, Ban Giám thị Trại giam cũng có quà gửi cho các bé và mẹ. Bé thì bộ quần áo, hộp sữa, hộp bánh, còn mẹ được nhận thêm phong bì 100 ngàn đồng để mua thêm thứ cần thiết cho các con.
Nhận quà từ tay trung tá Lê Tấn Dư, Phó giám thị Trại giam Kim Sơn, phụ trách Phân trại 2, bé Hải còn chạy lại ôm “ông ngoại” tỏ lòng cám ơn rồi sà ngay vào lòng ông nghịch điện thoại. Trung tá Dư kể, sau khi phạm nhân Tanh sinh con, ông cứ suy nghĩ mãi về việc có nên làm đầy tháng đặt tên cho cháu hay không. Theo phong tục, một đứa trẻ khi được sinh ra dù giàu hay nghèo cũng được người nhà làm cho một lễ cúng đầy tháng kính cáo với ông bà, trên trước về một thành viên mới được gia nhập vào cộng đồng. Mẹ cháu tuy là phạm nhân nhưng bé sinh ra nào có tội tình gì. Ông hỏi vợ các thủ tục cúng tế thế nào, chuẩn bị mâm cúng ra sao để sắp đặt.
Trung tá Dư nhớ lại: “Bé Ánh sinh vào khoảng đầu tháng Chạp năm 2013, chờ đủ tháng thì sang đầu tháng giêng năm 2014 mà theo quan niệm để qua hai năm là không tốt, nên tôi làm đầy tháng cho cháu sớm hơn 6 ngày. Trưa đi làm về, thấy mâm cúng bày sẵn có đầy đủ gà, xôi, chè, trái cây, các nữ phạm nhân ôm nhau khóc ròng.Tôi đứng ra đọc bài khấn cho cháu Ánh”. Rồi ông tủm tỉm kể tiếp: “Hồi đó tôi chưa dám báo cáo thực với lãnh đạo Ban Giám thị trại giam Kim Sơn vì sợ bị chê mê tín dị đoan nên vừa âm thầm làm, vừa nghe ngóng tình hình. Sau này các anh biết được đã ủng hộ, đến lễ cúng đầy tháng cho bé Ngọc Duyên, Bảo Hân tôi giao cho một nữ phạm nhân lớn tuổi nhất phòng đứng cúng”.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám thị Trại giam Kim Sơn, cho biết thêm, Ban Giám thị Trại giam đã quan tâm, sắp xếp cho phạm nhân nuôi con nhỏ công việc phù hợp, cho hầm xương heo lấy nước nấu cháo, nấu bột cho bé. Mỗi lần đến lịch tiêm phòng cho trẻ, trại điều xe ô tô chở các cháu xuống Trung tâm y tế huyện để tiêm; đau ốm đột xuất cũng được chở xuống dưới đó khám bệnh cho an tâm. Ông nói: “Anh em ở đây thường đùa rằng con của cán bộ chiến sĩ cũng không được hưởng tiêu chuẩn cao như thế. Nói đùa vậy thôi, chứ trẻ con không có tội, ngay cả khi mẹ chúng phạm tội thì các bé cũng có quyền được yêu thương, chăm sóc, nhất là trong một môi trường vốn không dành cho trẻ như thế này”. Hơn ai hết, chính những người quản giáo nơi đây đã ghé vai vào, bằng tình thương, bằng trách nhiệm để chăm lo cho các bé.
Nhắc đến những ngày “ở cữ” của mình, phạm nhân Nguyễn Thị Thanh Tịnh cảm động: “Ngày tôi đi sinh có nữ quản giáo và hai nhân viên nam đi kèm dẫn xuống bệnh viện huyện để sinh. Tôi sinh thường, bé nặng ba cân tám lạng. Khi về đây, các cô lớn tuổi trong phòng cũng bắt tôi kiêng khem lắm, không cho rờ nước lạnh 3 tháng 10 ngày. Quần áo của tôi và bé mấy cô đều giặt giúp. Cán bộ quản giáo cũng qua lại, hỏi han, tạo điều kiện cho chúng tôi ở nhà nuôi con. Hàng ngày, cán bộ lo hết, từ cháo nấu xương bò xương heo đến sữa, bột, quần áo”.
Những nốt lặng...
Bé Hải đã được 24 tháng tuổi, theo quy định trẻ từ 36 tháng tuổi trở lên sẽ không được ở tại đây nữa nên Trại giam Kim Sơn đã động viên phạm nhân Thảo điện về gia đình nhờ nuôi con hộ nhưng Thảo nói không còn ai. “Cha ruột” của Hải cũng đã đến Trại giam xin nhận con về nuôi nhưng không có gì chứng minh đó là con ruột của mình. Trước khi phạm tội mua bán ma túy, Thảo có 2 tiền án về tội trộm cắp. Mới 29 tuổi nhưng trông Thảo quá già dặn, phong sương, đã là mẹ của 4 đứa con nhưng hai trong số đó đã bị Thảo đem cho người khác.
Ba phạm nhân nữ còn lại cũng có mang trong những tháng ngày lưu lạc giang hồ. Chắc hẳn, họ và cả cha của những đứa trẻ cũng không thể ngờ “hậu quả” để lại là một đứa con đã chào đời. Nhắc đến cha của con mình, phạm nhân Tịnh lắc đầu: “Ảnh cũng không biết mình có con đâu, chúng tôi gặp nhau ở Phú Yên ở chung được mấy tháng”. Cách đây vài năm tôi gặp Tịnh trong lúc TAND TP Quy Nhơn xử cô 21 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Ra tù chưa đầy năm, Tịnh tái phạm. Đây đã là lần vào trại thứ tư của nữ phạm nhân này.
Nhắc đến con gái, cả Thùy và Tịnh đều bảo từ ngày sinh con ra, họ hiểu thế nào là tình mẫu tử, hứa sẽ vì con mà sống tốt hơn. “Em sắp ra tù rồi. Lần này, em có bé Duyên. Vì nó, em sẽ cố gắng sống lương thiện!”, Thùy hứa hẹn. Cuối tháng 6 này, Thùy sẽ được ra trại. Tịnh cũng gần đến ngày chấp hành xong bản án. Chỉ Thảo và Tanh thời gian thụ án còn dài. Phạm nhân Tanh cho biết: “Khi con được 36 tháng, em sẽ gửi về nhà cho ông bà ngoại ở quê nuôi. Ba mẹ em làm ruộng, làm rẫy khổ lắm!”. Nhắc đến tương lai của con, Thảo sốt ruột: “Tôi đã điện cho cha nó nhiều lần rồi, lần nào cũng hứa sẽ ra nhưng giờ chưa thấy”.
Trước khi chúng tôi ra về, hai nữ phạm nhân Thùy, Tịnh nhờ gửi lời chào đến những cán bộ quản giáo đã giúp họ trong lần “vượt cạn” ở bệnh viện, thậm chí có chiến sĩ còn bị hiểu lầm là chồng: “Cho em gửi lời cảm ơn đến tất cả. Ra tù, tụi em hứa sẽ làm lại cuộc đời”.
Tôi nhận lời chuyển, thầm mong những gì họ nói là thật, là xuất phát từ quyết tâm muốn làm lại cuộc đời.
Bài và ảnh: THU HÀ