Hoài Ân: Báo động nạn đuối nước do lật ghe
Gần đây, trên địa bàn huyện Hoài Ân xảy ra nhiều trường hợp tử vong do đuối nước; trong đó, đáng báo động là tình trạng người dân dùng ghe chèo qua hồ bị lật dẫn đến đuối nước.
Sáng 8.6, em Nguyễn Trọng Quang (học sinh lớp 3, Trường Tiểu học số 2 Ân Tín) cùng 4 bạn khác đến hồ Vạn Hội, nằm trên địa bàn xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, vui chơi. Thấy ghe của người dân để trên bờ, các em chèo ra hồ chơi thì bị lật. Dù được người dân phát hiện, cứu vớt nhưng em Quang đã không qua khỏi.
Trước đó, chiều 11.5, ông Trần Văn Đạt (ở thôn Phú Hữu 1, xã Ân Tường Tây) chèo ghe chở cỏ vào trại chăn nuôi nằm ở khu vực lòng hồ Suối Rùn để cho bò ăn. Khi đến giữa lòng hồ, trời đổ mưa to kèm gió lớn làm ghe bị lật. Dù có người phát hiện, ứng cứu, nhưng do gió lớn không thể tiếp cận nên ông Đạt bị nước cuốn trôi dẫn đến tử vong.
Hơn một năm trước, trên địa bàn huyện Hoài Ân cũng xảy ra 2 vụ lật ghe, khiến 3 người chết đuối. Cụ thể, vào ngày 24.4.2014, tại khu vực hồ Vạn Hội, ông Đinh Văn Hào và ông Đinh Rêu (cùng ở xã Ân Sơn, huyện Hoài Ân) dùng ghe bằng tôn chèo qua hồ chở theo một xe máy để vào rẫy thu hoạch lúa. Khi đến giữa hồ, chiếc xe máy rơi xuống hồ làm ghe bị lật úp, khiến ông Hào tử vong. Vụ còn lại, vào ngày 3.2.2014, ông Nguyễn Hoàng Tùng và Đỗ Văn Viện (đồng trú thị trấn Tăng Bạt Hổ) cùng một số bạn bè đến khu vực bờ hồ Thạch Khê (xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân) chơi. Sau đó, 2 người này lấy ghe của người dân địa phương bơi ra hồ thì bị lật dẫn đến chết đuối.
Qua tìm hiểu được biết, tại các khu vực hồ thủy lợi trên địa bàn huyện Hoài Ân, người dân địa phương thường trang bị ghe làm phương tiện qua lại hồ để vào rừng làm rẫy, chở củi. Tuy nhiên, hầu hết số ghe này đều rất nhỏ và cũ kỹ; trong khi đó, đa số người dân không quan tâm trang bị các phương tiện bảo hộ để phòng sự cố; do đó, rất dễ xảy ra đuối nước nếu không may ghe bị lật. Điều đáng nói, dù biết nguy hiểm, nhưng khi được hỏi tại sao không trang bị áo phao để dùng lúc chèo ghe qua lại hồ, rất nhiều người dân tỏ ra mơ hồ về áo phao; còn những người biết về tác dụng của chiếc áo này đều tặc lưỡi “ở quê thì lấy đâu ra áo phao mà mua”.
Ông Nguyễn Tấn Sơn, Trưởng Công an xã Ân Mỹ, cho biết: “Tại địa phương, người dân trang bị khá nhiều ghe để phục vụ nhu cầu đi lại, làm việc nhưng hầu hết đều không đảm bảo an toàn khi sử dụng. Định kỳ 2 lần mỗi năm, xã mời các hộ có ghe làm việc, tuyên truyền và yêu cầu trang bị áo phao, dụng cụ cứu hộ để dùng khi sử dụng ghe. Nhưng đa số người dân không tuân thủ yêu cầu; trong khi đó, việc xử lý gặp khó khăn bởi các chủ ghe chỉ dùng vào mục đích phục vụ cá nhân, còn lực lượng chức năng không phải lúc nào cũng túc trực để phát hiện khi người dân sử dụng ghe”.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Tề, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hoài Ân, thì: “Hàng năm, huyện đều tổ chức tuyên truyền, vận động người sử dụng ghe trang bị áo phao, dụng cụ cứu hộ để đảm bảo an toàn khi sử dụng. Nhưng do tâm lý chủ quan nên hầu hết người dân không chấp hành, từ đó dẫn đến những tai nạn chết người đáng tiếc. Việc kiểm tra, quản lý gặp khó khăn do người sử dụng ghe hoạt động lẻ tẻ, thời gian hoạt động không cố định. Để đảm bảo an toàn khi sử dụng ghe, ngoài nỗ lực của các cấp, các ngành thì việc người dân tuân thủ quy định, nâng cao ý thức tự giác bảo vệ bản thân là vô cùng cần thiết”.
Trước thực trạng trên, thiết nghĩ, các phòng, ban, ngành chức năng có liên quan của huyện Hoài Ân phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân thấy được những tai nạn, rủi ro, nguy hiểm khi sử dụng ghe làm phương tiện qua lại trên hồ thủy lợi. Đồng thời, có biện pháp kiểm tra, xử lý đối với những trường hợp sử dụng ghe không đảm bảo an toàn. Quan trọng hơn, người dân phải nêu cao tinh thần tự giác bảo vệ sức khỏe, tính mạng bản thân, tuyệt đối không sử dụng ghe khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn.
B.NGÂN