Chủ động đối phó dịch MERS-CoV
Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi-rút Corona (MERS-CoV) là vấn đề y tế nóng bỏng nhất gần đây. Trước nguy cơ xuất hiện ca bệnh tại Việt Nam, ngành Y tế đang chủ động triển khai các hoạt động phòng chống.
MERS-CoV là bệnh viêm đường hô hấp do vi-rút Corona, với đường lây truyền từ động vật và người sang người. Theo PGS.TS.Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, đối tượng có nguy cơ cao là những người già, có bệnh mãn tính. Đây là dịch bệnh nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong cao, hiện chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu.
BVĐK tỉnh huy động toàn lực sẵn sàng đối phó với dịch MERS-CoV.
- Trong ảnh: Phòng xét nghiệm của khoa Vi sinh, BVĐK tỉnh.
Nguy cơ xâm nhập cao
Tính đến ngày 10.6, Bộ Y tế Hàn Quốc công bố đã có 108 trường hợp nhiễm MERS-CoV, trong đó có 9 người tử vong tại nước này. Phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn trực tuyến về giám sát, điều trị và phòng chống dịch bệnh MERS-CoV được tổ chức chiều 8.6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tại Hàn Quốc hiện có 100 ngàn người Việt Nam đang sinh sống và làm việc; hàng ngày tần suất chuyến bay từ Hàn Quốc về Việt Nam rất lớn, điều đó khiến nguy cơ dịch MERS-CoV xâm nhập vào nước ta rất cao.
Trước diễn biến phức tạp của MERS-CoV, Bộ Y tế đã lập 4 đội phản ứng nhanh ứng phó với MERS-CoV tại 4 vùng miền trong cả nước, tiến hành áp dụng tờ khai y tế đối với người nhập cảnh tới 9 quốc gia vùng Trung Đông và 2 nước Hàn Quốc và Bahrain đang có dịch MERS-CoV. “Chúng ta không được chủ quan lơ là, cần quyết liệt ngay từ đầu và hết sức cụ thể sâu sát chi tiết trong phòng chống dịch, không thể buông lơi một giây một phút”, Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Tại Bình Định, nguy cơ xuất hiện bệnh MERS-CoV cũng không hề nhỏ. Tỉnh ta có sân bay, cảng biển, quốc lộ 1A và quốc lộ 19, cũng là địa chỉ du lịch khá nổi tiếng. Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Thanh Thắng đã yêu cầu Sở Y tế phối hợp, cung cấp nội dung tuyên truyền bằng nhiều hình thức về các biện pháp phòng chống dịch bệnh MERS-CoV, các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho các cơ quan thông tin đại chúng, các sở, ngành, đơn vị, địa phương, đoàn thể liên quan để thực hiện tuyên truyền sâu rộng cho người dân biết, thực hiện.
Bên cạnh đó, phải thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện sớm, cách ly, xử lý triệt để khi có tình huống dịch bệnh xâm nhập, nhằm hạn chế lây lan trong cộng đồng. Đảm bảo thu dung, cách ly và điều trị kịp thời các ca bệnh để hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; đảm bảo dự trữ, cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ…
Bệnh viện vào cuộc
Cũng tại Hội nghị tập huấn trực tuyến về giám sát, điều trị và phòng chống dịch bệnh MERS-CoV, các chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (USCDC) đã đưa ra thông tin đáng chú ý: môi trường bệnh viện là nơi lây nhiễm MERS-CoV nhiều nhất, chiếm hơn một nửa số ca bệnh. Lây truyền tại hộ gia đình ít xảy ra hơn, chỉ chiếm khoảng 4% trong số những người phơi nhiễm. Đặc biệt, không có bằng chứng về sự lây truyền tiếp theo trong cộng đồng qua các chùm ca bệnh. Do đó, công tác chống nhiễm khuẩn, dự phòng lây nhiễm tại các bệnh viện là tối quan trọng.
Môi trường bệnh viện là nơi lây nhiễm MERS-CoV nhiều nhất, chiếm hơn một nửa số ca bệnh. Lây truyền tại hộ gia đình ít xảy ra hơn, chỉ chiếm khoảng 4% trong số những người phơi nhiễm
Là đầu mối thu dung, điều trị các dịch bệnh truyền nhiễm, BVĐK tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch MERS-CoV. Ngày 10.6, Bệnh viện đã tổ chức tập huấn phòng dịch cho cán bộ, nhân viên y tế toàn bệnh viện về các tiêu chuẩn chẩn đoán, xử trí, điều trị cách ly và các biện pháp phòng chống lây nhiễm MERS-CoV.
“Chúng tôi cũng củng cố các đội cấp cứu lưu động, tổ chức khu cách ly, sàng lọc điều trị bệnh nhân tại khoa Truyền nhiễm. Đồng thời, rà soát và lên phương án chuẩn bị hậu cần, mua sắm thuốc men, hóa chất, dụng cụ bảo hộ cho nhân viên y tế tại các khu cách ly điều trị và các bộ phận liên quan”, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Nguyễn Hoàng Minh cho hay.
Theo Trưởng khoa Truyền nhiễm Nguyễn Thị Thu Oanh, qua nhiều đợt điều trị các dịch bệnh nguy hiểm, nhất là với cúm A (H1N1) năm 2009, đội ngũ y - bác sĩ của khoa có nhiều kinh nghiệm thực tế để chuẩn bị đối phó với dịch MERS-CoV. “Tuy nhiên, chúng tôi luôn cẩn trọng trước mỗi dịch bệnh. Quan trọng nhất là phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng lây nhiễm khi xuất hiện ca bệnh. Quy trình cách ly, điều trị phải được đảm bảo chính xác, an toàn”, bác sĩ Oanh khẳng định.
NGUYỄN VĂN TRANG