Xử trí chấn thương mắt do tai nạn lao động
Chấn thương mắt thường gặp trong cuộc sống hằng ngày, thường để lại hậu quả nặng nề, có khi mù lòa nếu không xử trí đúng và kịp thời.
Theo số liệu của BVĐK tỉnh, năm 2014 có 13 trường hợp và 4 tháng đầu năm 2015 có 5 trường hợp chấn thương mắt nhập viện điều trị. Các dạng chấn thương mắt thường gặp do tai nạn lao động như vỡ nhãn cầu, rách củng mạc - giác mạc phức tạp, dị vật hốc mắt nhãn cầu, vỡ đục thể thủy tinh. Hậu quả thường nặng nề, ảnh hưởng về mặt chức năng thị giác lẫn thẩm mỹ như giảm thị lực, mù lòa, sẹo xấu…
Xử trí ban đầu khi bị chấn thương mắt trong lao động là băng mắt và chuyển đến cơ sở có chuyên khoa mắt gần nhất, tuyệt đối không được rút những vật lạ như gỗ, móc sắt, đinh... cắm trong mắt. Chỉ cần băng mắt nhẹ nhàng, không ép chặt vì các tổ chức nội nhãn có thể bị phòi ra ngoài. Đối với những trường hợp bị chấn thương nhẹ (có hạt cát, mạt sắt hay bụi bay vào mắt) nên nhỏ thuốc Chloramphenicol 0,4% khoảng 2-3 giờ/lần, đồng thời đến ngay bệnh viện để được lấy dị vật ra khỏi mắt và được nhỏ thuốc chống nhiễm khuẩn. Không được dùng tay dụi mắt hoặc dùng bông gòn, giấy để lấy dị vật, vì dễ làm nhiễm trùng và dị vật chui sâu hơn vào bên trong. Cũng không được tự ý mua kháng sinh về nhỏ mắt. Loại thuốc này lúc đầu tạo cảm giác dễ chịu, làm mắt bớt đỏ nhưng sẽ làm giảm sức đề kháng tại chỗ, tạo điều kiện cho vi nấm phát triển. Từ chỗ chỉ bị trầy xước giác mạc dẫn đến loét mủ, nhiễm trùng nặng.
Nếu mắt bị thủng hoặc vỡ nhãn cầu (mắt sưng to, chảy máu, mờ hoặc đau nhức), phải đến bệnh viện ngay, tránh băng chặt hoặc đè áp. Khi bị hóa chất, nước axit bắn vào mắt, nên rửa mắt liên tục trong khoảng 30 phút. Nếu hóa chất là vôi cục thì nên lấy ra trước và rửa mắt bằng nước.
Điều trị chấn thương mắt do tai nạn lao động tại BVĐK tỉnh bao gồm cả điều trị nội khoa và phẫu thuật như lấy dị vật hốc mắt - nhãn cầu; khâu củng mạc - giác mạc; múc bỏ nhãn cầu; mổ lấy thủy tinh thể và đặt thủy tinh thể nhân tạo.
Đeo kính bảo hộ có thể tránh được 90% các tổn thương mắt, vì vậy nên đeo kính bảo vệ mắt thích hợp khi lao động, tiếp xúc với các công việc dễ bị bụi, hóa chất văng vào mắt. Cần bọc hay che chắn các góc nhọn, các cạnh của đồ vật hay các vật dụng cố định trong nhà nếu nhà có trẻ em hay người già. Không cho trẻ nhỏ chơi ở ngoài bãi cỏ, ngoài vườn nếu không có người lớn đi kèm; tránh xem, tiếp xúc gần nơi có hoạt động làm văng ra nhiều bụi hay mảnh nhỏ cát, mạt cưa, máy xay xát lúa...
BS PHẠM VĂN CẢM
Bác sỉ ơi ba con làm thợ hồ. nhưng không biết vì lí do gì mà có vật gì đó giống như hạt cát ở trong mắt, và nằm ngay tròng đen của mắt . có làm như thế nào củng không thể lấy ra được. mắt đỏ hết lên nước mắt chảy rất nhiều, có cảm giác xốn xốn. Nhưng vì công việc ba con chưa có thể đi đến bác sỉ điều trị nên không biết bây giờ con phải làm như thế nào?