Chiến tranh Việt Nam qua góc nhìn phóng viên AP
Triển lãm của các phóng viên chiến trường hãng thông tấn Mỹ AP có tên “Việt Nam: cuộc chiến thực sự” khai mạc vào chiều 11.6 tại Hà Nội.
Triển lãm là một trong các hoạt động của Hãng thông tấn AP do Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc hãng thông tấn AP Gary Pruitt dẫn đầu sang thăm Việt Nam. Triển lãm góp phần kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, nhằm tăng cường hiểu biết, tình hữu nghị và quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.
Là một hãng thông tấn lớn của Mỹ, có tầm ảnh hưởng truyền thông tới dư luận thế giới, trong chiến tranh Việt Nam, AP đã hoạt động tích cực nhằm góp phần thay đổi cách nhìn của nhân dân Mỹ và thế giới đối với cuộc chiến tranh Việt Nam bằng những hình ảnh ghi lại sự thật chiến trường tại thời điểm đó.
Hai năm trước, AP đã xuất bản một cuốn sách tập hợp các tư liệu mang tên “Việt Nam: Cuộc chiến thực sự”, tác phẩm đã khơi nguồn cảm hứng cho triển lãm cùng tên diễn ra trên chính mảnh đất Việt Nam hôm nay.
Triển lãm bao gồm hàng chục bức ảnh nổi tiếng về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam dưới con mắt của một hãng thông tấn quốc tế, trong đó có 4 bức ảnh đoạt giải thưởng báo chí danh tiếng của Mỹ Pulitzer như bức ảnh tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng trưởng cảnh sát Việt Nam Cộng hòa, dùng súng lục bắn vào đầu Nguyễn Văn Lém, người bị tình nghi là Quân giải phóng trên một con phố Sài Gòn vào thời điểm đầu cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968, bức ảnh em bé bị bỏng bom Napalm Kim Phúc năm 1972 của phóng viên Nick Út.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc hãng thông tấn AP Gary Pruitt cho biết: “Nick Út đã chụp được một trong những bức ảnh nối tiếng nhất trên thế giới, bức “Em bé Napalm”. Bức ảnh của Nick cũng như hàng nghìn bức ảnh khác của các phóng viên AP giống như một ống kính, cho thế giới nhìn thấy sự thật về chiến tranh”.
Triển lãm còn nhiều bức ảnh mang sức mạnh truyền thông mãnh liệt về sự thật chiến tranh ở Việt Nam như bức ảnh hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu trên phố Sài Gòn năm 1963 của nhiếp ảnh gia Malcolm Browne và hình ảnh những người dân Mỹ biểu tình phản đối chiến tranh ở Việt Nam.
Nhân dịp này, Chủ tịch AP Gary Pruitt đã tuyên bố trao tặng những bức ảnh trong triển lãm cho Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam. Đón nhận món quà vô ý nghĩa từ hãng thông tấn AP, Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam Nguyễn Xuân Năng cho biết, giá trị của những bức ảnh này sẽ được phát huy thông qua việc trưng bày cho không chỉ công chúng ở trong nước mà cả bạn bè quốc tế.
“Những bức ảnh này sẽ tiếp tục được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Tôi cho rằng nó mang ý nghĩa giáo dục rất lớn bởi đây là những bức ảnh của một hãng thông tấn lớn trên thế giới, lại là một hãng của Mỹ, nước tham gia chiến tranh ở Việt Nam, vì thế những bức ảnh này phản ánh chiến tranh Việt Nam một cách khách quan hơn và tiếng nói lên án chiến tranh Việt Nam cũng giá trị hơn” – ông Nguyễn Xuân Năng cho biết.
Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Quang Minh bày tỏ hy vọng rằng, trong tương lai, các phóng viên của AP sẽ có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc hơn nữa nhưng không phải là những tác phẩm phản ánh chiến tranh, xung đột hay nỗi đau của nhân loại mà là những tác phẩm thể hiện niềm vui, hạnh phúc của con người, tình đoàn kết của các dân tộc trên thế giới, trong đó có tình hữu nghị giữa nhân dân và mối quan hệ đối tác giữa 2 nước Việt Nam và Mỹ trong 20 năm tới và lâu hơn nữa.
Triển lãm ảnh “Việt Nam: Cuộc chiến thực sự” của hãng thông tấn AP sẽ kéo dài đến hết ngày 26.6 tại Trung tâm Triển lãm 45 Tràng Tiền.
Theo Diệu Hương (VOV)