“Giọt Nắng”
Giọt Nắng (Nxb Hội Nhà văn, 2015) là tập thơ thứ hai của Trần Duy Đức (bút danh Chính Đức), một cán bộ đã nghỉ hưu, sống và viết tại An Nhơn. Gần đây, anh được biết đến với tập tản văn, bút ký Tìm lại dấu xưa (2014) viết về mảnh đất An Nhơn xưa. Quê hương, cách mạng là hai chủ đề chính trong những trang viết của anh.
Địa danh An Nhơn vang vọng trong từng tên bài thơ trong tập Quê mình, An Nhơn lên thị xã, Tình thơ Nhơn Khánh, Chiều qua sông Trường Thi, Xứ Đồ Bàn, Chiều bên Hồ Núi Một… Bài thơ Hình ảnh quê hương là một ví dụ: Thành Đồ Bàn - Hoàng Đế lẫy lừng/ Tháp Cánh Tiên với thời gian trầm tĩnh/ Dấu son Đại An, niềm tin Hồng Lĩnh/ Ánh sáng bừng lên xua tan bóng đêm. Ngay cả những ký ức, tâm tình rất riêng tư cũng gắn với quê hương (Ký ức tháng ba). Yêu quê hương luôn gắn liền với gian khổ, tàn phá trong chiến tranh, chiến công của cách mạng: Đầy ắp chiến công: Anh hùng, Dũng sĩ/ Chị Kỷ hiên ngang, chị Yến kiên cường/ Rạng rỡ sáng ngời truyền thống quê hương/ Máu lửa đau thương trùm lên đất mẹ. Sau chiến tranh, đất nước dựng xây, chỉ bước đi trên chiếc cầu mới, lòng tác giả cũng đủ reo vui: Nhịp cầu vui sướng vô ngần/ Cùng nhau chung bước đến gần ấm no (Qua cầu mới An Thái).
Phần còn lại của tập thơ là những suy tư của tác giả về cuộc sống hiện tại (Dửng dưng, Lặng thầm, Nói với cháu nội), là những tâm tư riêng (Tâm sự người già, Nói với mình).
Với đúng 100 bài thơ được dàn trải trong tập, tuy vậy, đôi bài vẫn lóe lên những phát hiện của tác giả, như bài Thiện Ác bên ta, viết về hai ông Đỏ, Đen, thiện và ác, ở chùa Nhạn Sơn, từ đó có những liên tưởng đáng suy ngẫm: Ác - thiện là hai hành vi khác biệt/ Mà có khi nằm trong một người/ Chúng lân la gần gũi như thân thiện/ Ai biết cạn sâu lòng dạ con người?
KHẢ XUÂN
Tôi được quen biết anh từ khi anh là chánh văn phòng huyện An Nhơn, ở anh toát ra một con người phúc hậu với tấm lòng đau đáu quê hương sông nước An Nhơn. Đi đâu,gặp gỡ anh em đồng hương là anh lại say sưa tâm tình về làng quê, con người và văn hóa nghệ thuật địa phương. Anh đã góp phần lớn công sức , thời gian để lưu dấu những tập sách đầy chất sử liệu đậm nét văn học cho các Phường,Xã quê nhà. Đến tuổi nghỉ hưu anh lại tiếp tục ra mắt các tập truyện và thơ mà Giọt Nắng vương vương bước chân mùa Hạ khắp nẻo đường quê thắm thiết tình người đang vẫy mời bằng hữu ghé thăm.