Vĩnh Thạnh: Lan rộng phong trào tố giác tội phạm trong đồng bào dân tộc thiểu số
Thời gian qua, bằng nhiều hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả tại cơ sở, Công an (CA) huyện Vĩnh Thạnh từng bước nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ở cơ sở.
“Thấy lạ là báo CA”
Đó là tâm sự của ông N.(dân tộc Bana, làng O2, xã Vĩnh Kim) sau khi giúp cơ quan CA kịp thời bắt giữ đối tượng giết người xảy ra ở huyện An Lão sau đó bỏ trốn cách đây 1 năm. Ông N. nhớ lại: “Đêm hôm trước, làng được cán bộ CA thông báo đang có tội phạm lẩn trốn, nếu thấy ai khả nghi thì nên báo ngay cho cơ quan CA để kịp xử lý. Vậy nên, sáng sớm hôm sau, khi đang ở nhà chòi cùng với 1 người trong thôn, thấy có 1 thanh niên người lấm lem, dáng vẻ mệt mỏi và thậm thụt đến xin cơm ăn và nước uống; nhớ lại thông báo đêm trước nên bọn tôi tìm cách giữ chân thanh niên này bằng cách cho nước uống và đồ ăn, rồi mật báo CA”.
Những buổi nói chuyện, tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Ảnh: KIỀU ANH
Vụ giết người xảy ra vào đêm 16.6.2014, tại tiểu khu 71, xã An Toàn, huyện An Lão- giáp ranh với làng O2 xã Vĩnh Kim. Vì vậy, khi nhận tin báo có vụ giết người giữa hai nhóm ở xã An Toàn, CA huyện Vĩnh Thạnh đã chủ động triển khai lực lượng để khoanh vùng, thông báo cho bà con vùng giáp ranh biết và nhận dạng đối tượng. Thượng tá Trịnh Hồng Hải, Phó trưởng CA huyện Vĩnh Thạnh, nói: “Chính sự cảnh giác của người dân nói chung và 2 người dân tại làng O2 mưu trí giữ chân đối tượng rồi mật báo mà việc truy bắt kẻ giết người được nhanh chóng hoàn thành, giữ bình yên trong dân”.
Sau khi biết mình đã giúp CA huyện Vĩnh Thạnh bắt gọn đối tượng giết người nguy hiểm, ông N. rất phấn khởi: “Mình nghe nói có tội phạm lẩn trốn cũng thấy sợ, và khi trực tiếp đối diện cũng lo lắm vì không có gì trong tay, nhưng thấy nó có vẻ mệt mà mình lại có 2 người nên phải tìm cách giúp cán bộ thôi. Được nhận giấy khen của cán bộ, mình vui lắm. Mình sẽ tiếp tục cảnh giác và vận động mọi người trong làng cùng nhau truy bắt tội phạm”.
Với phương châm nắm cơ sở chắc, lực lượng trực chiến luôn sẵn sàng, xử lý triệt để, hiệu quả đối với từng vụ việc mà CA huyện Vĩnh Thạnh đã triển khai từ khoảng 5 năm trở lại đây, cùng với việc phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc như “3 không về ANTT trong đồng bào dân tộc thiểu số”, “khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội” mà tình hình ANTT ở huyện Vĩnh Thạnh giảm theo từng năm. Cụ thể năm 2013, xảy ra 18 vụ phạm pháp hình sự, năm 2014 giảm còn 11 vụ. Bên cạnh đó, cũng đã xuất hiện nhiều điển hình tích cực trong công tác tố giác tội phạm. Giữa tháng 3.2015, sau khi làm rẫy về thì anh H. (người Bana, ở thị trấn Vĩnh Thạnh) phát hiện có đối tượng khả nghi đang chất đồ lên xe máy nên la lớn, thấy vậy thanh niên này vội vứt bao tải vung xe bỏ chạy. Sẵn có số điện thoại của CA, anh H. gọi điện báo. Nhờ vậy, CA đã kịp thời chốt chặn và bắt được đối tượng trộm cắp.
Bám dân để tuyên truyền, nâng cao nhận thức
Thượng tá Trịnh Hồng Hải, Phó trưởng CA huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Để nhân dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, nhất là những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi thường tranh thủ già làng, người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền, vận động bà con tham gia. Chính việc tăng cường lực lượng xuống cơ sở bám làng và thực hiện “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng học) giúp chúng tôi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và thường xuyên tổ chức phát động phong trào ở các thôn, làng. Nhờ đó, phong trào đã triển khai rộng khắp đến tận các khu dân cư, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia và đạt được nhiều kết quả thiết thực”.
Từ cuối năm 2013 đến nay, địa phương có 3 cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số được nhận bằng khen và giấy khen của UBND tỉnh, Giám đốc CA tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Việc CA gần dân, tạo lòng tin trong dân, lồng ghép tuyên truyền pháp luật, đến từng làng, từng hộ dân và trao đổi những phương thức thủ đoạn, hành vi trái pháp luật với già làng, người có uy tín trong đồng bào đã góp phần nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Như chia sẻ của chị Đinh Thị Bông, làng 2, xã Vĩnh Thuận: “Mỗi lần họp làng tôi đều được nghe cán bộ nói phải cẩn thận, để ý đến các đối tượng lạ vì có thể đó là tội phạm. Vì vậy, bà con chúng tôi cũng để ý quan sát những diễn biến xung quanh hơn trước, thấy ai khả nghi liền báo với làng, với CA”.
KIỀU ANH