Từ một vụ chết người
Tối 11.5, Lê Minh Sơn (SN 1983, ở Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cùng một số công nhân đang thi công tại cảng Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) đi nhậu. Khi đã có hơi men, Sơn cùng nhóm bạn đi xin cá của một người dân địa phương để nhậu tiếp nhưng bị ngư dân này từ chối. Giữa hai bên xảy ra mâu thuẫn. Vừa lúc này, anh Bùi Văn Kít (SN 1962, ở huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) cũng là công nhân đang thi công tại công trình đi ngang qua, thấy cãi vã nên đã can ngăn. Bị anh Kít đẩy té, Sơn chạy vào nhà 1 người dân gần đó lấy dao đâm anh Kít làm nạn nhân chết ngay sau đó. Sau khi gây án, Sơn bỏ trốn nhưng đã bị lực lượng công an bắt giữ.
Hiện trường vụ chết người ở Cát Khánh.
Theo điều tra của cơ quan công an, giữa thủ phạm và nạn nhân không có mâu thuẫn gì trước đó, song cả hai đều không chơi chung với nhau dù họ cùng làm việc ở một công trình. Thực tế, khi công nhân tỉnh khác đến làm việc ở một công trình thường chơi theo kiểu “người địa phương nào chơi với địa phương đó”, nên công nhân ít có sự đoàn kết. Nguyên nhân của các vụ mâu thuẫn thường xuất phát từ tư tưởng địa phương cục bộ, và bạo lực thường là xu hướng được lựa chọn để giải quyết mâu thuẫn.
Thiết nghĩ các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền pháp luật, tăng cường nắm tình hình, giải quyết mâu thuẫn giữa các nhóm công nhân ngày từ khi mới manh nha. Chính quyền địa phương, nơi có các công trình thu hút nhiều công nhân ở nhiều tỉnh khác đến làm việc cũng cần chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền pháp luật. Các hội, đoàn thể ở địa phương cũng nên tổ chức các hoạt động thiết thực thu hút công nhân tham gia để tăng cường sự đoàn kết, giao lưu, gắn bó giữa công nhân các tỉnh, để họ hiểu nhau hơn. Từ đó sẽ ít dẫn đến mâu thuẫn cục bộ và các vụ án đáng tiếc xảy ra.
NHẬT LINH