Canh lá giang
Mùa hè là mùa của lá giang. Chẳng hiểu sao, mùa hè nắng gắt cây lớn không nổi, nhưng lá giang lại lên xanh tốt. Lá xanh non, vị chua thanh mát dịu chứ không có vị chát, lá cằn cỗi như trong mùa lạnh.
Mỗi lần đi chợ, mẹ lại dặn tôi: “Nhớ mua loại lá giang đất nghe con”. Lá giang đất dây có màu hơi tím sẫm, lá hơi nhỏ hơn vị chua thanh hơn loại lá giang lá to, trông cứng hơn. Canh lá giang đất có vị chua thanh, không gắt như me, sấu hay quả tai chua. Các món ăn chế biến từ lá giang rất dễ nấu, nấu rất đơn giản. Người miền biển hay nấu canh lá giang với cá nục, cá cơm hay tôm, mực. Sang hơn một chút thì với thịt gà, thịt bò.
Canh chua lá giang nấu với tôm.
Nấu canh lá giang cũng rất đơn giản, và nấu với nguyên liệu gì cũng ngon, từ chay đến mặn. Lá giang mua về lặt lá, rửa sạch, vò nhỏ bỏ vào nước lạnh rồi nấu lên, nước sôi chờ nước có vị chua hẵng bỏ nguyên liệu vào. Như vậy, lá giang sẽ không có vị chát và cứng. Nếu thêm một chút dầu ăn vào trong nồi canh thì lá giang rất mềm, vị ngon hơn nữa.
Ngày nhỏ, mỗi lần về quê nội, thấy chú tôi nấu canh lá giang rất đơn giản. Lá giang nấu với nước lạnh đợi sôi lên thì múc một vá to mắm ruốc bỏ vào, cho thêm chút bột ngọt nữa là ra một món canh. Ấy là thời của mấy mươi năm về trước.
Tôi thường nấu lá giang với cá cơm, cá nục, cá chua, thịt bò nhưng từ khi được cô bạn, vốn từng dạy học ở miền biển, bày nấu thử với tôm và mực thì tôi đâm nghiện món canh chua kiểu đó. Tôm tươi lột vỏ, đâm hơi nhuyễn, thêm chút hành củ, muối, mắm tiêu cho thơm; mực tươi cũng ướp tương tự vậy, đợi khi nước lá giang sôi mới thả tôm hay mực vào, chờ sôi thêm một hai dạo, nêm nếm cho vừa miệng rồi nhắc ra. Đã là canh chua thì không thể thiếu chút rau ngổ, rau răm, lá lốt xắt nhỏ, muốn ăn cay thì thêm vài lát ớt.
Trưa nóng mùa hè có tô canh chua lá giang giải nhiệt. Thật là ngon.
ANH THƯ