“Bà đỡ” cho “tam nông”!
Ngày 11.6, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát là người đầu tiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII. Phiên trả lời chất vấn của người đứng đầu Bộ NN&PTNT tiếp tục thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước, nhất là cử tri là nông dân, sống bằng sản xuất nông nghiệp ở khu vực nông thôn.
Điều mà cử tri mong đợi là người đứng đầu Bộ NN&PTNT đưa ra những giải pháp hữu hiệu tháo gỡ hàng loạt khó khăn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản. Bởi lẽ từ nhiều năm qua, trong các vấn đề kinh tế - xã hội nổi cộm, thì sản xuất nông nghiệp và đời sống nông dân vẫn là điểm “nóng” nhất.
Nhiều ý kiến chất vấn và phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội đều cho rằng nông nghiệp, nông dân và nông thôn đến nay vẫn là khu vực thiệt thòi nhất. Kết quả tái cơ cấu nông nghiệp rất mờ nhạt; sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, từ cây lúa, con cá, con tôm cho đến cao su, cà phê, các loại cây ăn trái… bán ra thị trường thế giới đa số vẫn là sản phẩm thô, chất lượng thấp, giá rẻ, thị trường bấp bênh, dễ bị ép giá… Hiện nay, việc trồng cây gì, nuôi con gì và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp người nông dân vẫn phải tự bơi, tự xoay xở là chủ yếu dẫn đến tình trạng nông sản khi thì “được mùa mất giá”, khi thì “được giá mất mùa”.
Vì vậy, việc đặt lên bàn nghị sự trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn là rất cần thiết. Điều cử tri mong đợi là các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp phải có giải pháp giúp cho nông dân giải quyết những khó khăn trong sản xuất, nhất là trong việc tìm đường ra cho tiêu thụ sản phẩm.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng NN&PTNT cho biết: Nền nông nghiệp đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, do vậy, việc định hướng sản xuất các sản phẩm phải phù hợp thị trường thế giới. Bênh cạnh đó, bản chất của thị trường luôn có sự thay đổi, để đạt sự ổn định tương đối phải làm cho sản phẩm nông nghiệp nhanh nhạy, bám sát thị trường trong nước và quốc tế; không thể kỳ vọng luôn có thị trường ổn định ở mức có lợi nhất, mà sản xuất hàng hóa phải thích ứng thị trường. Vì vậy, phải lựa chọn sản phẩm và phát huy lợi thế của nước ta, đi đôi hỗ trợ nông dân làm ra sản phẩm chất lượng cao, giá thành hạ để trong mọi tình huống có thể bán với giá có lợi cho nông dân. Cùng với đó, một mặt gỡ khó cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đồng thời hỗ trợ bà con duy trì giá không bị giảm quá sâu, dẫn đến thua lỗ. Thực hiện một số giải pháp làm giảm tổn thất cho nông dân, như hỗ trợ nông dân vay vốn. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tập trung chỉ đạo phát triển khâu bảo quản, chế biến.
Để tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Phải nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa nông sản, trong đó khâu chế biến sản phẩm rất quan trọng. Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã xây dựng đề án, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch tổng thể cho từng ngành, hiện đang nỗ lực thực hiện. Trong đó, có việc đầu tư cho các cơ quan nghiên cứu chuyển giao công nghệ chế biến cho doanh nghiệp, nhưng quan trọng nhất là hỗ trợ cho doanh nghiệp để nhiều doanh nghiệp đầu tư vào bảo quản, chế biến nông sản.
Có lẽ, sau phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Cao Đức Phát, các bộ, ngành có liên quan sẽ thể hiện vai trò “bà đỡ” của mình đối với “tam nông” mạnh mẽ và hiệu quả hơn, đáp ứng sự kỳ vọng của đông đảo bà con nông dân.
HẢI ĐĂNG