Con đường dốc
Truyện ngắn của ĐOÀN THỊ THÚY KIỀU
Hiền đang loay hoay với cái khăn trên tay, chăm chú lau chiếc xe đạp Nhật mini màu trắng của mình. Rất tỉ mỉ, từng chút từng chút một, say sưa đến độ Hiền chẳng màng gì mọi thứ xung quanh. Những chỗ dính đầy đất đỏ, được Hiền lau sạch bóng. “Đúng rồi đó, rửa xe đạp mà đi. Vừa tập thể dục lại không tốn xăng”. Tiếng của ba làm cô giật mình. Có một chút chạnh lòng, một chút nghẹn ngào. Sau khi nghe lời ba nói, Hiền chỉ im lặng, chẳng nói năng gì và tiếp tục công việc làm sạch chiếc xe đạp của mình. Chiếc xe ấy đã gắn bó với Hiền gần cả chục năm nay rồi… Hiền nhớ lại thuở còn học cấp II, nhà chỉ có chiếc xe đạp cà tàng. Con đường đến trường là một con dốc tương đối hẹp, tuy không cao lắm nhưng dài như bất tận. Mỗi lần đi học, đạp xe đến trường, lúc xuống dốc là lúc Hiền sợ nhất, sợ muốn rớt tim ra ngoài khi chiếc xe chạy tốc độ ngày càng nhanh, mà xe thì không có thắng. Và tiếng xẹc xẹc vang lên do sự ma sát giữa chiếc dép và lốp xe. Hiền dùng chiếc dép phải chạm vào lốp xe đạp để dừng xe lại rồi nhanh chóng rẽ vào trường. Ngày nào cũng vậy, Hiền vẫn sợ, sợ lắm...
Dòng nước mát tưới lên cổ xe, yên xe, hai bánh xe, đã lâu lắm rồi nó không được tắm rửa sạch sẽ như thế này. Lên lớp 10 Hiền được ba mua cho chiếc xe đạp Nhật mini này. Chiếc xe đạp màu trắng như mơ, Hiền giữ gìn lắm, sợ nó bẩn. Thời gian thấm thoát thoi đưa, cô nữ sinh xinh đẹp đã vào đại học, trở thành một cô sinh viên duyên dáng. Hiền đẹp, một nét đẹp thanh tú, nhưng có lẽ bởi tâm hồn nhạy cảm đa sầu mà mắt Hiền sâu thẳm xa xăm. Cô yêu văn chương từ nhỏ, chọn khoa văn để theo học, mơ ước ngày ngày được lên lớp dạy cho những học trò nhỏ của mình những ý thơ trang văn đẹp nhất.
Hiền ra trường, về quê dạy học. Duyên phận đưa cô trở về ngôi trường cấp II với con đường dốc thuở nào. Lên lớp giảng những bài thơ ngọt ngào, bài văn đậm ý nghĩa, Hiền thấy có một vài giây phút hạnh phúc thoáng qua, một chút an ủi nhẹ nhàng trong tâm hồn mình trước dòng đời ngả nghiêng. Và con đường dốc ấy... Hiền không có xe máy để đi dạy, mẹ cô phải chở cô đến trường, lúc về cô nhờ ai đó quá giang. Mỗi ngày mẹ chở cô đi, cô thấy áy náy vô cùng. Có hôm thì mưa tầm tã, có hôm thì nắng gay gắt, cứ buổi trưa đứng bóng, cái thời gian mà mọi người đang nghỉ trưa, mẹ Hiền phải đều đặn đưa cô tới trường. Hiền buồn lắm nhưng đành chấp nhận. Bởi ba mẹ không thể cho cô phương tiện tốt hơn để đến trường, còn cô cũng bất lực khi lương tháng nào vơi tháng đó. Nhờ những đồng nghiệp trong trường chở về hoài, Hiền ngại vô cùng. Hôm nay, sau khi tan buổi học, Hiền nói với anh chàng giáo viên thể dục: “Anh chở em về với nha?”. Một cái gật đầu. Vậy mà không hiểu sao khi ra về anh ta phóng xe thẳng tiến luôn. Từ phòng hội đồng đi ra nhà xe, Hiền thấy anh ta phóng xe đi tự nhiên, bỏ mặc Hiền đằng sau. Cô chua xót, có lẽ Hiền nhờ người ta chở về quá nhiều đến mức họ không muốn chở nữa! Hôm sau, khi nhìn thấy anh ta Hiền định sẽ không nói chuyện với anh ta nữa. Nhưng cô nghĩ lại, mình không nên làm như vậy, cô hỏi anh ta một cách vu vơ:
- Hôm qua, sao anh không chở em về?
- À, hôm qua anh có việc gấp.
Hiền thừa biết cái “gấp” mà anh ta nói là gì trong khi đã đồng ý chở cô về. Hiền chỉ nói cho có lệ và nở nụ cười vô tư lự với anh. Chỉ cần vậy là đủ, chẳng khi nào cô nhờ tới anh nữa. Bởi trên trường đã lắm kẻ mỉa mai: “Làm cô giáo rồi mà không tự đi xe cứ để mẹ chở mãi”. Hay đại loại: “Sướng hè! Đi dạy rồi còn có người đưa người rước”. Hiền cũng chỉ “dạ” rồi mỉm cười cho qua. Đối với họ một chiếc xe máy là chuyện nhỏ nhưng đối với Hiền thì lại khác... Hôm không có ai chở về, Hiền thấy buồn tủi lắm, rồi mắt ngấn lệ, nước mắt thầm lặng chảy…
Một ngày nọ, cầm ly nước vừa đưa lên môi, Hiền bỗng nghe tiếng ba: “Làm sao thì làm, tự lo phương tiện mà đi dạy đi! Không ai rảnh mà cứ chở mãi đâu”. Quá bất ngờ, Hiền chẳng nói năng gì. Cô uống cạn ly nước rồi đi xuống nhà dưới. Hiền không thể ngồi ở đó một giây nào nữa, cô sợ mình sẽ không cầm được lòng. Cô chẳng oán trách gì ba, bởi lẽ tính ba hiền lắm nhưng cuộc mưu sinh khó nhọc đã làm biến dạng, méo mó, không còn những ân cần vốn có. Như Nam Cao mô tả trong “Đời thừa”, cũng vì cái đói cái khổ mà con người phải chà đạp lên nguyên tắc sống của mình.
Với quyết định đi bằng xe đạp, Hiền biết lũ học trò sẽ lạ mắt lắm khi thấy cô như vậy. Bởi ở đây, chẳng có giáo viên nào đi xe đạp cả. Chiều hôm đó, Hiền đạp xe tới trường bất chấp lời mẹ nói: “Con lên xe mẹ chở con đi dạy. Ai đời cô giáo lại đi xe đạp! Lời ba nói con cứ kệ ba đi”. Hiền quay lại nhìn mẹ âu yếm và ngay lập tức đạp xe thật nhanh. Cô sợ, sợ sẽ mủi lòng trước mẹ, sợ mẹ nhìn thấy khóe mắt cay cay của mình. Vừa ra khỏi nhà cũng là lúc nước mắt cô rơi. Từng vòng xe quay tròn theo đôi chân, con đường một thời và con dốc thân quen ấy... Xe lăn bánh rất nhanh, xả dốc vùn vụt nhưng giờ bàn tay cô đã tự tin hơn. Cô mơn man một cảm giác khó tả, quá khứ - hiện tại, mọi thứ đã qua và bây giờ, tất cả ngổn ngang trong sâu thẳm trái tim bé nhỏ. Tới trường, Hiền dựng xe ở nhà xe và đi vô lớp, cô say sưa giảng bài như bao ngày. Lúc về cô không ngờ, thật không ngờ là càng đạp thì xe cũng chỉ nhích được một xíu thôi khi đang phải lên dốc. Mọi người xung quanh con đường nhìn cô bằng ánh mắt lạ lẫm. Với bộ đồ mặc trên người và với chiếc túi xách trên giỏ xe, không khó để nhận biết Hiền là một cô giáo. Cũng may là Hiền hết tiết về sớm chứ về tiết cuối thì cô trở thành trò cười cho học sinh mất! Trời nắng như thiêu như đốt, mồ hôi nhễ nhại, ướt đẫm khuôn mặt. Cô mệt lả người và dường như không còn sức lực gì nữa, vẫn cố đạp và đạp…
Chiều nay, một buổi chiều tàn, Hiền đi dạy về sớm. Hiền lững thững bước đi trên con đường dài, chợt nghĩ đến câu thơ của Xuân Diệu: Em bước điềm nhiên không vướng chân/Anh đi lững thững chẳng theo gần. Không biết có chàng trai nào chỉ dám theo sau thôi không? Với Hiền điều đó quá xa xỉ để mà mơ mộng tới lúc này. Lơ thơ một hồi chợt trời chuyển mưa, cơn mưa không báo trước. Mưa rơi lắc rắc rồi lớn dần, tuôn ào ạt, Hiền thấy mát lạnh lạ lùng. Hiền bước cùng mưa, đi với mưa, nghe tiếng mưa rơi và hòa vào cùng làn mưa. Từng giọt mưa vẫn cứ rơi, trên đôi mắt ấy là giọt mưa hay giọt nước mắt đang rơi lẫn vào nhau chan chứa. Hiền chỉ biết lúc này lòng mình nhẹ nhõm, thanh lắng hơn bao giờ hết. Nụ cười lại nở trên môi, có lẽ là cô cười cho cuộc đời và cho chính mình. Cũng như con đường cô đi mỗi ngày, trong cuộc sống của mỗi chúng ta đều gặp hay vấp phải những “con đường dốc”. Con dốc ngày xưa và ngày nay... mãi mãi hằn sâu trong tâm hồn và không bao giờ bằng phẳng …
Đ.T.T.K