Cửa sổ nước non
* Tùy bút của TRẦN THỊ HUYỀN TRANG
Tôi bước xuống Tràng An từ một bến thuyền đầy nắng. Có hơn 2.000 con thuyền xếp hàng ven các gò đất nổi giữa sông dài. Trong lòng thoáng chút dùng dằng: về Ninh Bình là để viếng vua Đinh, để thăm chùa Bái Đính, để chạm tay vào vách núi Tam Điệp và khấn thầm với đô đốc Tuyết, đô đốc Sở: Tôi đã đến chỗ ngày xưa các Ngài rút về dưỡng quân đánh giặc Thanh, đã nắm được dây cương ngựa các Ngài để lại bên sườn núi. Thế mà những người cùng đi chọn Tràng An - ừ thì Tràng An. Dông dài sông nước hang động e là phí nghìn cây số và những giấc mộng bao giở bao giờ.
Nhưng ngay từ lúc vịn mép thuyền ngắm "rừng" tảo xanh rập rờn dưới làn nước xanh mát lạnh, tôi liền im thin thít vì vẻ huyền ảo kỳ bí của sông sâu. Núi đá vôi soi bóng qua tấm gương khổng lồ như những lâu đài hóa thạch gửi đất trời coi giữ. Chị chèo thuyền lảnh lót: "Tràng An có 48 động, nhưng em chỉ đưa các bác đi qua 9 động gọi là du lịch thôi. Ở đây người ta không cho thuyền chạy máy, chỉ chèo tay, để khỏi thải hơi xăng dầu hỏng môi trường sinh thái. Em chèo suông đã vã mồ hôi, còn hơi đâu thuyết minh cho các bác". Hai người đàn ông trong đoàn cầm hai mái chèo bảo: "Để tôi chèo phụ chị, chị chỉ lái thôi". Chị cười toe toét: "Vầng! Nhưng chỉ khi nào các bác hỏi gì em mới nói đấy nhé. Muốn em giới thiệu thì phải có một ly một lai gọi là, nhé, chứ em không nói không".
Bầy le le đang nhởn nhơ đùa nghịch nghe động, lặn biến vào làn nước. Động Tối, động Ba Giọt, động Sơn Dương,.. Chúng tôi ghé lên thắp hương Đền Trình, nơi đây thờ bốn vị tướng khai quốc công thần triều Đinh: Đinh Bặc, Đinh Điền, Lưu Cơ, Nguyễn Tú. Ngồi thuyền Tràng An qua khỏi Đền Trình một đoạn sẽ đến Đền Trần. Đền Trần thờ các bậc tiền hiền nhà Đinh, nhưng do triều Trần tu sửa nên có tên gọi như vậy. Đền ngự trên núi cao, leo mất hàng trăm bậc đá. Vì tiết trời nóng bức và thời gian eo hẹp, theo sự sắp xếp của người bạn quê Ninh Bình, chúng tôi thống nhất chỉ đi qua các động rồi về cho kịp buổi họp mặt như chương trình đã định.
Thuyền lướt tới độ nửa giờ, chị lái thuyền đổi tư thế, chèo chân cho đỡ mỏi, rồi một tay chống trên sàn thuyền, một tay chỉ ngôi đền thấp thoáng sau rặng cây: "Kia là Phủ Khống! Các bác có vào thắp hương không?". Phủ ấy thờ ai hả chị? Anh bạn cùng đi đón lời: "Thờ bảy vị quan thời Đinh." Chị lái thuyền bảo: "Đại loại thế, mà không phải thế! Đúng là thờ quan triều Đinh, nhưng tự vẫn mà chết nên thiêng lắm!"
Chuyện rằng sau khi Đinh Tiên Hoàng băng hà, có bảy vị quan đích thân khâm liệm vua và đưa 100 cỗ quan tài bằng đồng ra khỏi hoàng thành, tỏa khắp các ngả Đông Tây Nam Bắc- chỉ có họ biết cỗ quan tài nào đựng thi hài nhà vua và mộ thật của vua Đinh ở đâu. Sau khi an táng trở về, bảy người chung nhau một bình rượu độc, mãi mãi mang theo bí mật về ngôi mộ vua Đinh. Cảm kích trước nghĩa khí của họ, một vị quan Tiết chế họ Đinh trấn ở cửa Nam đặt bát hương thờ cúng và trồng bên cạnh một cây thị để bảy vong hồn có nơi nương tựa, theo cách người xưa vẫn làm tại các miếu âm hồn. Tương truyền người đời đến thắp hương cầu đảo tại bát hương cây thị đều linh ứng, bèn chung nhau lập phủ thờ vua Đinh và các vị trung thần, gọi là Phủ Khống.
Hy sinh 7 mạng sống để che giấu nơi chôn vùi một xác chết đế vương, tim tôi nhói đau trước cái nghĩa lý lạ lùng này. Lên Phủ dâng hương! - lời đề đạt của mọi người vang lên đồng loạt như mệnh lệnh khẩn thiết của lương tâm. Làm sao có thể điềm nhiên đi qua một bến bờ như thế!
Không ai bảo ai, mọi người đều thành kính cúi đầu trước am thờ bên gốc thị hồi lâu rồi mới vào lễ vua trong đền. Được biết, cây thị tổ nghìn năm tuổi đã theo gió bão về trời, còn cây thị xum xuê tỏa bóng lên am lên phủ là "hậu duệ" của nó. Theo nội dung khắc trong bảng thần tích sơn son chữ vàng đặt ở lối đi bên trái, cây thị Phủ Khống rất sai quả và đặc biệt là cùng một cây nhưng luôn cho hai loại quả: quả tròn có hạt, quả dẹt không hạt. Tháng tám, ngày giỗ vua Đinh, đúng mùa thị chín, người ta hái quả tròn có hạt dâng án thờ vua, còn quả dẹt không hạt thì dâng lên bảy vị hạnh thần.
Nhiều người Tràng An giải thích việc vị Tiết chế họ Đinh trồng cây thị hàm ý ca ngợi sự cam tâm bảo mật với ý chí sắt đá của các trung thần, theo cách diễn đạt dân gian là "ngậm hạt thị". Tôi thì không nghĩ thế! Những quả thị dẹt, theo tôi, là ẩn ngữ tuyệt vời của anh linh gửi đến muôn đời con cháu: Việc bảo mật cao nhất chính là bằng tinh thần tự nguyện, mà đã tự nguyện thì những phép như ngậm hạt thị hay bịt miệng đều không cần đến. Ý chí và nỗi đau chất ngất của con người đủ sức chuyển lay vũ trụ, và vũ trụ lớn lao không chỉ vì độ cao rộng bao la của chính mình, mà còn vì biết lắng nghe và thông đạt tâm thức con người!
Tôi ngoái nhìn mãi từng tấc cỏ cây trời nước vừa mới đón đỡ mình trong vòng ôm ruột thịt. Tràng An ạ, một dải núi sông hùng vĩ khiến chúng tôi ngẩn ngơ quên mệt mỏi. Ai đó trong những người bạn đồng hành chậc lưỡi: Non thế này nước thế này, chả trách có câu địa linh nhân kiệt!
Cảm ơn từng nhánh rong mềm từng con vịt nước, cảm ơn ngọn gió hun hút hang dài, cảm ơn bầy dê núi và những chú ngựa bờm vàng lấp ló trên sườn non chớn chở. Sau những giấc mơ đầy cố chấp của tôi, Tràng An rạng rỡ mỉm cười. Trước khi tạm biệt, tôi đặt vào tay chị lái thuyền "một ly một lai" với lòng biết ơn vô hạn về những giọt mồ hôi đã giữ gìn vẻ đẹp hoang sơ sâu thẳm của đất nước mình...
T.T.H.T