Xã hội hóa hoạt động văn hóa: Cần mở rộng nhiều lĩnh vực
Thời gian qua, công tác xã hội hóa đối với việc tổ chức hoạt động văn hóa ở tỉnh ta tiếp tục phát triển, tuy nhiên mới chỉ tập trung ở một số lĩnh vực có điều kiện, còn các lĩnh vực như bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể thì còn rất khó khăn.
Mới tập trung bề nổi
Theo báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết XVIII của Đảng bộ tỉnh và kết quả thực hiện kế hoạch hoạt động giai đoạn 2010- 2014 của Sở VH-TT&DL, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 05 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao; Quyết định số 04/2008 của UBND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở ngoài công lập hoạt động trong lĩnh vực văn hóa được tỉnh ta thực hiện tương đối khá. Các cấp, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh ngày càng nhận thức rõ hơn vị trí, vai trò của công tác xã hội hóa lĩnh vực văn hóa. Điển hình là việc tổ chức Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định. Qua 5 lần tổ chức, tỉnh ta đã vận động xã hội hóa nguồn kinh phí rất lớn tổ chức nhiều chương trình hoạt động. Chỉ tính riêng Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ IV - 2012, số tiền tài trợ đã lên đến 19,9 tỉ đồng.
Một buổi diễn của đoàn tuồng Ánh Dương (xã Cát Tường, huyện Phù Cát).
Trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn, tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội cùng chung tay. Trong 3 năm qua, đã có hơn 54 tỉ đồng tài trợ cho các hoạt động trùng tu, tôn tạo, xây dựng các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Tại nhiều xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh, người dân rất tích cực ủng hộ đóng góp kinh phí xây dựng nhà văn hóa thôn. Tiêu biểu là ở xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, người dân các thôn Đông Lâm, An Thành, Tráng Long, Cù Lâm đều đã vận động được hàng trăm triệu đồng để xây dựng được nhà văn hóa thôn khang trang, phục vụ cho các nhiệm vụ chính trị và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Cần mở rộng
Đến nay việc thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” - giai đoạn 1 (2011 - 2015) đã gần kết thúc. Tuy nhiên kết quả mà tỉnh ta đã đạt được còn rất hạn chế, mới chỉ triển khai được một số ít mục tiêu cụ thể gắn với các dự án thành phần đã đặt ra. Sự chậm trễ này có nguyên nhân quan trọng là do việc huy động xã hội hóa, tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn vốn do nhân dân đóng góp gặp nhiều khó khăn. Công tác bảo tồn các loại hình di sản phi vật thể khác ở nhiều địa phương cũng khó khăn do chưa huy động được nguồn lực xã hội hóa.
Nghệ thuật tuồng vẫn được gìn giữ và lan tỏa ở các địa phương trong tỉnh hiện nay là nhờ sự đóng góp rất lớn của các đoàn tuồng “dân nuôi”. Tuy nhiên, người dân chỉ có thể đóng góp kinh phí để mời các đoàn tuồng về diễn, góp phần hỗ trợ lực lượng diễn viên hiện nay bám trụ với nghề. Còn nguồn kinh phí mang tính dài hạn hơn để thực hiện công tác đào tạo và khuyến khích các thế hệ kế cận theo nghề, vẫn là điều “ngoài tầm” của các đoàn tuồng không chuyên trong tình hình lượng khán giả ngày càng thu hẹp. Nếu không có chính sách hỗ trợ một cách phù hợp cho các đoàn tuồng không chuyên, thì sự mất dần của các đoàn tuồng này khi hầu hết lực lượng diễn viên đều đã “có tuổi” sẽ là điều khó tránh khỏi trong những năm tới.
So với một số lĩnh vực văn hóa khác, việc huy động xã hội hóa bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể có nhiều khó khăn hơn, nhất là việc thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp. Vì vậy, từ những nghị quyết, quyết định của Chính phủ và của tỉnh đã được ban hành, cần có sự cụ thể hóa các lĩnh vực ưu đãi đầu tư đối với văn hóa dân tộc, công tác sưu tầm nghiên cứu bảo tồn các di sản văn hóa. Các doanh nghiệp, cá nhân tham gia đóng góp xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cần có cơ chế hỗ trợ, khen thưởng. Giám đốc một doanh nghiệp ở TP Quy Nhơn (không muốn nêu tên) khi được hỏi ý kiến về tài trợ cho hoạt động văn hóa, đã cho rằng: “Doanh nghiệp tài trợ gì cũng tính đến quyền lợi. Tham gia tài trợ cho các sự kiện văn hóa, thể thao lớn được truyền hình trực tiếp của tỉnh dù sao cũng được cái tiếng, chứ không bỏ tiền ra cho công tác bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể mà công chúng hiện nay ít quan tâm. Chúng tôi sẽ tham gia ủng hộ nếu tỉnh có sự khuyến khích, chẳng hạn có thể xem xét việc doanh nghiệp nào hỗ trợ cho văn hóa thì được tính vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp khi xác định thuế thu nhập”.
HOÀI THU