Không bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh
* Thay khiển trách bằng “phạt roi”?
Thu hẹp khung hình phạt, cân nhắc không bỏ khung hình phạt tử hình đối với một số tội danh; đặc biệt là không miễn tử hình cho những đối tượng trên 70 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng… là những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề cập đến trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) sáng nay, 16.6.
Ngăn ngừa “chạy án”
Khung hình phạt cho một tội danh theo dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có khi cách nhau tới trên 10 năm là quá rộng, tạo kẽ hở cho tiêu cực “chạy án” - đó là nhận định của nhiều ĐBQH. ĐB Trương Thái Hiền (Kiên Giang) nói: Dự luật định khung hình phạt rộng khiến cử tri cho rằng dẫn đến việc tòa án muốn xử sao thì xử. Cùng một hành vi, nhưng thẩm phán có thể xử rất khác nhau một cách cảm tính. Các ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận)… có cùng quan điểm này.
Bày tỏ thái độ nghiêm khắc đối với loại tội bức cung nhục hình, ĐB Đỗ Ngọc Niễn cho rằng, không chỉ “quá rộng”, mà khung hình phạt đối với loại tội này còn quá nhẹ, chưa đảm bảo tính răn đe. “Cần có thêm hình phạt bổ sung như nghiêm cấm phạm tội đảm nhiệm chức vụ suốt đời hoặc ít nhất là 5 năm”, ĐB Niễn đề nghị.
Không đồng ý bỏ hình phạt tử hình cho người trên 70 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng
Đây là quan điểm của rất nhiều ĐBQH tại phiên họp. ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị không bỏ hình phạt tử hình đối với các tội: chống loài người, phá hoại hòa bình, tội phạm chiến tranh. Tội vận chuyển ma túy - theo ông Tám - cũng không nên bỏ khung hình phạt tử hình, nếu có những yếu tố giảm nhẹ thì tòa án sẽ xem xét cụ thể khi lượng hình.
Về quy định không áp dụng hình phạt tử hình khi người phạm tội tham nhũng khắc phục hậu quả, ĐB Đỗ Ngọc Niễn thẳng thắn cho rằng: Như thế sẽ dẫn đến tình trạng dùng tiền chuộc mạng; gián tiếp bao che tham nhũng. Lẽ ra chúng ta phải nghiêm khắc hơn với loại tội phạm này thì dự thảo Bộ luật lại đi theo hướng ngược lại. Chúng ta rất cần tiền nhưng không vì tiền mà làm lệch cán cân công lý. Có quan điểm trung dung hơn, ĐB Ma Thị Thúy nói: “Miễn tội tử hình với tội phạm kinh tế cần phải có điều kiện chặt chẽ, cụ thể hơn”.
Về các trường hợp không thi hành án tử hình, hầu hết các ý kiến đều đề nghị không quy định loại trừ áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 70 tuổi trở lên. Dẫn ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng do người trên 70 tuổi, thậm chí trên 80 tuổi gây ra, ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) kiên quyết: “Quy định như dự thảo sẽ khiến dư luận rất bức xúc”. ĐB Triệu Là Pham (Hà Giang) thì lưu ý: “Sau khi được Chủ tịch nước ân xá từ tử hình được xuống chung thân thì không được hưởng ân xá tiếp nữa, vì như thế sẽ bất công với các phạm nhân khác, đồng hóa tội đặc biệt nghiêm trọng với nghiêm trọng”.
Nhóm các quy định đối với người chưa thành niên phạm tội cũng nhận được sự quan tâm của nhiều ĐB. Trong khi có những ý kiến đề nghị giữ quy định độ tuổi và phạm vi chịu TNHS của người chưa thành niên (NCTN) như hiện hành, vì thực tế vấn đề này đến nay không vướng mắc; thì cũng có ý kiến đề nghị xem xét lại theo hướng hạ độ tuổi chịu trách niệm hình sự (TNHS) của NCTN, do sự phát triển tâm sinh lý của NCTN hiện đã có nhiều thay đổi.
Đáng lưu ý, tập hợp ý kiến thảo luận tại các tổ ĐBQH trước đó, Đoàn Thư ký kỳ họp cho biết, về các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với NCTN phạm tội, có ý kiến đề nghị thay hình thức xử lý “khiển trách” bằng “phạt roi”!
Pháp nhân có chịu trách nhiệm hình sự?
Nhiều ý kiến tại phiên họp tán thành việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân và việc chứng minh tội phạm và làm rõ hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm của pháp nhân là trách nhiệm của Nhà nước, không đẩy trách nhiệm cho người dân.
Tuy nhiên, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị, TNHS đối với pháp nhân chỉ nên áp dụng đối với một số tội danh nhất định. Đồng thời, nếu quy định TNHS đối với pháp nhân thì quy trình, thủ tục tố tụng hình sự đối với pháp nhân cần có sự điều chỉnh, bổ sung phù hợp. Mặt khác, cần tính toán đến vấn đề an sinh xã hội trong trường hợp tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động của pháp nhân.
ĐB Lê Đông Phong (TPHCM) cũng lưu ý về việc đảm bảo tính công bằng với mọi loại hình pháp nhân. Muốn vậy, ĐB cho rằng “cần hoàn thiện khái niệm tội phạm và lý luận về tội phạm thì việc quy kết trách nhiệm mới chặt chẽ, nhất là với loại pháp nhân đa sở hữu, công ty mẹ - công ty con…
Tranh luận về tội phạm kinh tế
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh (ĐBQH tỉnh Lai Châu):
Chúng ta luôn nói đến nguyên tắc không hình sự hóa quan hệ kinh tế - dân sự, nhưng đây vẫn tiếp tục là cản trở rất lớn, làm nản lòng các nhà đầu tư, doanh nhân. Trong một nền kinh tế chuyển đổi như nước ta, các khái niệm không thật rõ ràng, chỉ sơ sẩy là bị quy tội hình sự. Mục tiêu của sai phạm kinh tế là gì? Xét cho cùng là tiền. Vậy phải có giải pháp xử lý những sai phạm kinh tế sao cho đúng mức, trừ phi gây hại cho xã hội nghiêm trọng, còn không thì mục tiêu cao nhất là thu hồi các khỏan chiếm lợi phi pháp và phạt nặng hơn; mà các biện pháp hình sự chưa chắc đạt được mục tiêu đó. Thực tế là một số doanh nhân sau khi chấp hành án đã có những đóng góp rất lớn cho xã hội (…).
Tôi ủng hộ bỏ tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Để xử lý vi phạm loại này thì biện pháp kinh tế là quan trọng nhất, có như vậy mới được tạo động lực phát triển. Hiến pháp mở, luật kinh tế mở mà pháp luật hình sự bó hẹp lại một cách không rõ ràng thì kinh tế không phát triển được.
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh):
Đề nghị Quốc hội xem xét thận trọng để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Tôi không đồng ý với ĐB Bùi Quang Vinh. Nếu không bị phát giác thì tội phạm kinh tế cứ ung dung sống cả đời bằng đồng tiền phi pháp? Ngân sách cần tiền, nhưng không vì cần tiền mà bất chấp sự công bằng xã hội.
ĐB Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ):
Không nên bỏ tội danh cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Đôi khi rất khó chứng minh mục tiêu vụ lợi, dù sai phạm rất rõ ràng, hậu quả rất lớn; nếu bỏ tội danh này sẽ rất dẫn đến bỏ lọt tội phạm, hạn chế kết quả cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Theo Anh Phương (SGGP)