Mở ra hy vọng cho trẻ khiếm thính
Lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh, một lớp can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính được mở ra, mang đến niềm hy vọng cho gia đình các bé.
Ngày 8.6, Trung tâm BTXH Đồng Tâm mở lớp can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính tại Trung tâm. Từ nguồn tài trợ của Chương trình toàn diện, tích hợp trợ giúp người khuyết tật tại Bình Định do Cơ quan hỗ trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với tổ chức Development Alternative Inc (DAI) và Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH), 10 em còn sức nghe của Trung tâm đã được hỗ trợ máy trợ thính.
Hào hứng với A, U, I
Hơn một tuần qua, lớp khiếm thính của cô giáo Đào Thị Mộng Hằng tại Trung tâm BTXH Đồng Tâm không còn im ắng như thường lệ. Tiếng A, U, I được lặp đi lặp lại lao xao cả một dãy học làm không ít người đi ngang ghé tai nghe và nở nụ cười. Ấy là nụ cười mừng cho những đứa trẻ lần đầu được nghe bằng tai và thực hành tái hiện âm thanh nghe được bằng miệng thay vì nghe bằng mắt và chuyển tải thông điệp bằng tay như trước đây.
Mỗi buổi học, cô và trò bắt đầu bằng việc đeo máy trợ thính. Sau khi kiểm tra một vòng xem máy có hoạt động được không, cô Hằng bắt tay vào việc luyện nghe cho học trò. Trẻ khiếm thính vào Trung tâm một thời gian đã có thể tiếp thu tốt ngôn ngữ ký hiệu và nhận diện khẩu hình nên mỗi lần tập nghe, cô bắt trò phải cúi đầu để cảm giác nghe được trung thực. Một tuần đầu tiên, cô Hằng bắt đầu với các nguyên âm A, U, I. Ở các âm trầm như A, U, các em đều nghe và lặp lại khá tốt. Riêng âm cao (I), chỉ vài em nhận diện được vì khá khó. Sang đầu tuần thứ hai, lớp bắt đầu nghe, nói với cụm từ mới hơn như “màu xanh”, “màu đỏ”.
“Bằng các phương pháp tích hợp, phương pháp đàm thoại, trực quan và đặc biệt là phương pháp “phản hồi người mẹ” trong thính học, chúng tôi đang cố gắng trong thời gian 2 tháng, các em có thể nghe và nói lại được một số cụm từ liên quan đến những vật dụng gần gũi môi trường tại nơi em sống và học tập. Đáng mừng là tất cả các em đều rất ham học nghe, nói. Tôi nhớ những buổi học đầu tiên, khi nghe về A, U, I, các em tranh nhau nhắc lại những điều đó với tất cả sự hào hứng, vui mừng. Ánh mắt và cả sự thích thú của các em khi tôi gật đầu thể hiện rằng em đã nghe và lặp lại đúng, đáng yêu hơn cả. Nó trở thành động lực cho tôi”, cô Hằng tâm sự.
Hy vọng
Hy vọng - đó là từ đầu tiên mà những phụ huynh có con đang theo học tại lớp can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính chia sẻ với tôi khi được hỏi thăm. Khó có thể nói hết niềm vui của họ khi nghe tin con mình sẽ được xóa “mù” âm thanh. Dù mọi thứ chưa thật rõ ràng nhưng đây hẳn là một cơ hội hiếm hoi cho gia đình họ.
Dù đang đợt nghỉ hè, chị Huỳnh Thị Thanh Sang (ở xã Cát Tài, huyện Phù Cát) vẫn đều đặn đưa đón con trai Nguyễn Mạnh Tường (11 tuổi) đến lớp can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính mỗi tuần. Ngay từ lúc kết thúc tuần học đầu tiên, chị Sang đã hồi hộp vô cùng trên đường đi đón con. Chị nhớ lại “chạy xe máy hơn 30 cây số, tôi cứ suy nghĩ không biết con mình có nghe được cô nói điều gì không. Đón con ở cửa lớp, tôi nghe Tường cứ lặp lại cùng bạn bè mấy chữ A, U, I mà thấy nôn nao. Nghe cô giáo giải thích, tôi mới thở phào. Vậy là có chút hy vọng rồi!”.
Cũng như chị Sang, chị Đỗ Thị Trang (ở phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn), phụ huynh của bé Nguyễn Thành Luân, cũng khấp khởi mừng thầm. Chị bảo: “Con trai được học nghe nói miễn phí là cả nhà tôi biết ơn Trung tâm và nhà tài trợ. Thời gian này, cả nhà chỉ ước sao con có thể nghe được ba mẹ gọi tên mình như bao đứa trẻ khác”.
Theo ông Nguyễn Đình Nhâm, Giám đốc Trung tâm BTXH Đồng Tâm, đến cuối năm 2015, nhà tài trợ sẽ có buổi kiểm tra đối với lớp học. Đây sẽ là cơ sở để nhân rộng lớp can thiệp sớm với trẻ khiếm thính 2 huyện Phù Cát, Hoài Ân. Dù hiện tại, Trung tâm vẫn còn gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất như chưa có được phòng cách âm để việc luyện nghe nói của trẻ được dễ dàng hơn; lò vi sóng sấy các hạt chống ẩm phục vụ bảo quản máy trợ thính… Tuy nhiên, giáo viên đang nỗ lực hết sức để đảm bảo tiến độ của lớp học, mở ra hy vọng cho nhiều trẻ khiếm thính hơn nữa.
NGUYỄN MUỘI
Trung Tâm cho e hỏi, trẻ e ở xa cùng tỉnh Bình Định có được nhận không. có kí túc xá cho mấy e ở lại không.