Từ những vụ vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên: Cảnh báo về suy nghĩ, lối sống buông thả
Muốn có tiền để thoải mái tiêu dùng cá nhân, một số thanh thiếu niên, có cả trẻ vị thành niên đã vi phạm pháp luật hay thậm chí tự nguyện “trao đổi” tiền - tình. Lối sống thực dụng, buông thả của các em có nguyên nhân sâu xa từ việc giáo dục nhân cách trong gia đình, nhà trường vẫn còn khiếm khuyết, buông lỏng.
1.
Mới đây, CA TP Quy Nhơn khởi tố, bắt giam 2 đối tượng N.A.D (SN 1999, ở phường Quang Trung, Quy Nhơn, đang học lớp 10) và T.T.H (SN 1997, nhà ở phường Thị Nại, Quy Nhơn, đang học lớp 12). Hai học sinh này phạm tội trong 2 vụ án khác nhau nhưng đều xuất phát từ lý do thoả mãn nhu cầu ăn chơi của mình.
Khoảng 11 giờ ngày 30.5, D. dùng xe máy đi dạo trên đường Tây Sơn (Quy Nhơn) tìm người sơ hở giật đồ. Khi thấy một người đi xe đạp điện cùng chiều, để túi xách trên rổ xe đạp điện (trong đó có 2 điện thoại và 50.000 đồng), D. tăng ga xe máy, giật túi xách rồi bỏ chạy. Ngay sau đó, D. bị anh Phạm Thanh Việt (ở phường Đống Đa, Quy Nhơn) đuổi theo bắt giữ giao cho CA phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, xử lý. Tại cơ quan CA Quy Nhơn, D. còn khai đã một mình thực hiện 4 vụ cướp giật tài sản khác. Lý do D. phạm tội là muốn có tiền tiêu thoải mái, nhất là chơi game.
2.
Còn với T.T.H, trộm xe máy là để “có xe máy đi chơi”.
Đêm 18.4.2015, H. đi xe đạp đến nhà bạn là Đ.N.P (SN 2001, nhà ở đường Trần Hưng Đạo) rủ đi chơi. Trên đường đi, P. rủ H. trộm xe máy để có xe đi chơi. Đêm 19.4.2015, H. đứng ở ngoài cảnh giới để P. lẻn vào dắt xe máy biển số 77N2-5465 (trị giá 9,5 triệu đồng) để trong đường luồng nhà trọ số 15 Tô Hiến Thành, TP Quy Nhơn. Cả hai mang xe về nhà P. tháo biển số cất, sau đó chạy xe xuống đường Xuân Diệu tháo trộm biển số xe máy 77X6-5379 của chị Trần Thị Mỹ Hạnh (ở KV 5, phường Trần Phú) đang để ở ngoài đường, lắp vào chiếc xe đã trộm. Khuya 1.5, H. bị CA phường Trần Hưng Đạo mời về làm việc vì thấy khả nghi. Tuy H. và P. đều phạm tội nhưng do P. chưa đủ 16 tuổi nên không bị khởi tố hình sự.
3.
Ngày 20.4.2015, TAND tỉnh xử phúc thẩm vụ án “mua dâm với người chưa thành niên”. Bị cáo là một ông già 60 tuổi tên L., bị hại tên N. (vào thời điểm bị xâm hại mới học lớp 8, ở thị xã An Nhơn).
Tháng 10.2013, trong một lần thấy bé N. đi chơi về khuya nên ông L. (hàng xóm gần nhà) hỏi “Bé N. đi đâu mà về khuya vậy?”; N trả lời “Đi chơi, đi kiếm tiền về chứ đi đâu”. Khi ông L hỏi lại “Chớ đi chơi là sao, còn đi kiếm tiền là sao?” thì N. trả lời “Ai cho tiền muốn gì sẽ chiều”. Nghe vậy ông L. gợi ý sẽ cho tiền nếu N. để mình “quan hệ” và N. đồng ý ngay. Từ đó cho đến tháng 2.2014, cả hai còn “quan hệ” nhiều lần nữa, lần nào N. cũng được trả tiền. Chuyện chỉ vỡ lỡ khi vào tháng 6.2014 N. kêu đau bụng và được gia đình đưa đi bệnh viện thì mới hay N. đã mang thai 20 tuần tuổi (sau đó bị sảy thai).
Toà phúc thẩm tuyên phạt bị cáo L. 4 năm tù giam. Nhưng điều xót xa đọng lại trong lòng người dự khán chính là câu trả lời quá hồn nhiên, trần trụi của “bị hại”: Do ba má cho con tiền không đủ tiêu nên chú ấy cho con nhiều tiền thì con cho chú ấy quan hệ thôi(!).
4.
Tuy không dám vơ đũa cả nắm, nhưng qua theo dõi phần lớn các phiên tòa, tôi thấy không ít thanh thiếu niên phạm vào tội cướp giật, trộm cắp hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ vì muốn có tiền chơi game, mua điện thoại hay muốn hãnh diện trước bạn bè. Sự nông nổi, ngây thơ, thiếu hiểu biết pháp luật cũng có; song không thể phủ nhận mặt trái của nền kinh tế thị trường đã làm ảnh hưởng đến nền văn hóa, giáo dục và hình thành nhân cách của các em, đề cao lối sống thực dụng dẫn đến sự tha hóa, biến chất. Để có tiền, nhiều em đã sẵn sàng làm việc xấu.
Tôi hỏi một số người bạn - vốn là giáo viên dạy môn xã hội, dạy công dân, họ nói chương trình học hiện nay nặng lắm, chỉ đề cao kiến thức văn hóa mà chưa chú trọng dạy trẻ quy tắc ứng xử đạo đức trong xã hội cũng như kiến thức pháp luật. Vả lại, dạy chính khóa chưa đủ thời gian, nói gì đến chuyện dạy đạo đức, nói chuyện ngoài giờ.
Trong sách công dân lớp 6, học sinh được dạy về: quyền được học tập, quyền tự do về thân thể, chỗ ở... nhưng chưa được dạy thế nào là các hành vi vi phạm pháp luật (thường phổ biến) như trộm cắp, đánh nhau, xúc phạm người khác, quan hệ tình dục với bạn gái (khi bạn gái chưa đủ tuổi) sẽ bị xử tù như thế nào? Đến tuổi nào thì phải chịu trách nhiệm hình sự, mức án bao nhiêu?. Những điều này hết sức cần thiết, và không đợi đến lúc các em bước vào tuổi 14,15 (tuổi đủ chịu trách nhiệm hình sự đối với tội nghiêm trọng) mới dạy, mà cần được dạy từ sớm hơn.
Những chuyện ấy không thể nói đủ trong một buổi (theo kiểu đầu năm nhà trường mời các đồng chí CA nói chuyện chuyên đề) mà phải có một lộ trình... mưa dầm thấm lâu. Mỗi ngày một ít, mỗi tháng một chuyên đề kết hợp với dạy văn hóa, mở ngoại khóa. Nhưng hơn ai hết, người lớn phải là một tấm gương sáng thực sự để các em nhìn vào đó noi theo.
NGUYỄN SƠN