Mua tài sản thi hành án: Những nỗi khổ “không tên”
Bán đấu giá tài sản thi hành án khó khăn nhất là ở giai đoạn giao tài sản. Vậy mà, giao được tài sản rồi người mua tài sản bán đấu giá lại gặp rắc rối khi làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản và hệ quả là phải vác đơn đi khiếu nại các cơ quan chức năng. Những trường hợp dưới đây là ví dụ.
1.
Công ty TNHH T.Đ mua được tài sản bán đấu giá theo hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá số 72/2014/HĐMB ngày 3.11.2014. Cơ quan Thi hành án đã thực hiện việc giao tài sản cho Công ty TNHH T.Đ xong, việc còn lại là xuất hóa đơn bán tài sản cho Công ty; thế nhưng, lại vướng hai văn bản của hai cơ quan thuế, cụ thể: Tại văn bản số 660/CCT-TTHT ngày 10.12.2014 của Chi cục Thuế thị xã Sông Cầu cho rằng, tổ chức bán đấu giá phải xuất hóa đơn bán tài sản cho Công ty T.Đ, còn ngược lại tại văn bản số 2419/CT-TTHT ngày 8.12.2014 của Cục Thuế tỉnh Bình Định lại cho rằng, Cơ quan Thi hành án phải mua hóa đơn để xuất hóa đơn bán tài sản cho Công ty TNHH T.Đ. Vì thế, giữa tổ chức bán đấu giá và Cơ quan Thi hành án không ai dám xuất hóa đơn bán tài sản. Còn Công ty TNHH T.Đ cho rằng nếu không có hóa đơn bán tài sản thì Công ty hạch toán việc mua tài sản vào sổ sách kế toán như thế nào? Vụ việc đến nay vẫn dậm chân tại chỗ.
2.
Công ty Đ.N.A là người mua được tài sản bán đấu giá theo hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá số 35/2014/HĐMB ngày 8.7.2014. Cơ quan Thi hành án đã thực hiện xong việc giao tài sản cho Công ty Đ.N.A. Thế nhưng, trong quá trình Công ty Đ.N.A nộp hồ sơ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản thì lại bị Chi cục Thuế thị xã An Nhơn ách lại, không chịu ký xác nhận các giấy tờ liên quan. Lý do mà Chi cục Thuế thị xã An Nhơn đưa ra là doanh nghiệp có tài sản bị kê biên bán đấu giá còn nợ các khoản tiền thuế, nên không đồng ý ký xác nhận để Công ty Đ.N.A hoàn tất các thủ tục chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản. Trong khi đó, Công ty Đ.N.A đã mua tài sản theo thủ tục bán đấu giá tài sản kê biên thi hành án, do đó chỉ phát sinh nghĩa vụ đối với Nhà nước kể từ thời điểm nhận bàn giao tài sản từ Cơ quan Thi hành án. Các khoản nợ trước đó của doanh nghiệp có tài sản bị kê biên bán đấu giá không liên quan gì đến Công ty Đ.N.A(!)
3.
Một trường hợp khác, ông H. là người mua được tài sản theo hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá số 12/2015/HĐMB ngày 7.4.2015. Cơ quan Thi hành án đã thực hiện việc giao tài sản cho ông H. xong. Ông H. đến UBND phường Nhơn Phú ký xác nhận đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (theo mẫu) để làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản thì bị từ chối ký xác nhận. Lý do mà UBND phường Nhơn Phú đưa ra là do chủ sở hữu, sử dụng có tài sản bị kê biên bán đấu giá còn nợ tiền thuế nhà đất hàng năm, tiền gạch bloc vỉa hè. Ông H. cho rằng mình không liên quan đến các khoản tiền nợ này, nên đã “gõ cửa” nhiều nơi, cầu cứu Cơ quan Thi hành án; và chỉ khi Cơ quan Thi hành án đến làm việc thì UBND phường mới chịu ký xác nhận.
Trên đây là một số trong rất nhiều trường hợp mà người mua được tài sản bán đấu giá thường gặp phải. Có những rắc rối có thể xảy ra là do một số quy định còn chồng chéo; cách áp dụng pháp luật về thủ tục bán đấu giá, thanh lý tài sản giữa các ngành liên quan chưa thống nhất; một số cơ quan bán đấu giá tài sản, cơ quan Thi hành án không thông báo rõ quyền lợi, nghĩa vụ của bên bán đấu giá và bên mua tài sản đấu giá, trước khi tổ chức bán đấu giá tài sản. Qua các trường hợp gặp phiền toái vừa nêu, mong rằng các cơ quan chức năng làm việc trách nhiệm hơn; bên mua tài sản đấu giá cũng cần thận trọng tìm hiểu kỹ nguồn gốc tài sản, nghĩa vụ khi sở hữu, sử dụng tài sản trước khi tham gia mua đấu giá, để khỏi rước lụy vào thân.
Hồng Thị