Mùa hè, cánh diều và những cuộc phiêu lưu
Hè về, khép lại một năm học, các em thiếu nhi lại có thời gian để được trở về với thế giới của những cuốn sách, những câu chuyện phiêu lưu thần tiên kích thích trí tưởng tượng, khám phá của thời thơ bé diệu kỳ. Sách cho thiếu nhi hè này, có gì vui? Và có nối thêm những sợi dây cho tuổi thơ bay lên với bầu trời mơ ước, có thổi luồng gió mát lành cho tâm hồn trẻ nhỏ reo vui?
Những giấc mơ hình cánh diều
Chỉ cần nhìn lại những tên sách dành cho thiếu nhi phát hành vào tháng 5, ta có thể cảm nhận được những động hướng trong mảng sách dành cho các em mùa hè này. Nhà xuất bản Kim Đồng vừa phát hành ấn bản đặc biệt của tác phẩm Đất rừng Phương Nam nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi. Đây là một cuốn sách mở ra một khoảng không gian xa lạ với đầy ắp bao điều kỳ thú, gợi mở những cuộc hành trình tưởng tượng thơ trẻ qua hình ảnh cậu bé An lưu lạc trong không gian sông nước miền Tây Nam Bộ thời chiến. Bối cảnh trong truyện là cả đất trời được thiên nhiên ưu đãi, những cánh đồng bát ngát, sóng nước rì rầm và thú rừng hoang dã muôn loài… Sách được in bìa cứng rất đẹp, với 304 trang ruột, được minh họa sinh động, thích hợp để trở thành người bạn tinh thần cho các em thiếu nhi mùa hè này.
Bên cạnh đó, cũng phải kể đến những đầu sách khác thuộc dòng picture book (sách tranh) do Nhà xuất bản Hội nhà văn và Nhã Nam liên kết xuất bản: Những người khổng lồ cuối cùng (François Place), Cuốn sách này vừa ăn mất con chó của tớ (Richard Byrne), Ở nơi quỷ sứ giặc non (Maurice Sendak)… Nhà xuất bản Trẻ cũng ấn hành tập truyện thiếu nhi của Quỳnh Lê: San San chân to đi xốp; còn Nhà xuất bản Kim Đồng cho in cuốn Bách khoa thư những nhân vật kinh điển - cuốn sách đã hết sức nổi tiếng với trẻ em trên toàn thế giới, đặc biệt là những fan nhí của truyện tranh, phim hoạt hình.
Qua những tên sách vừa kể, có thể tìm thấy những đặc điểm chung của dòng sách thiếu nhi hè này: sự trở về với những cuộc phiêu lưu; sự kết hợp linh hoạt giữa truyện kể và tranh vẽ cùng với sự lên ngôi của dòng sách picture book. Những cuốn sách thú vị đó hẳn sẽ góp phần bồi đắp thế giới tâm hồn của các em, thổi thêm luồng gió mới nâng cánh diều tuổi thơ bay đến vùng trời mơ ước.
Sách tranh và những cuộc phiêu lưu
Picture book (sách tranh) là thể loại sách dành cho thiếu nhi, mới được bạn đọc Việt Nam quan tâm khoảng bảy, tám năm gần đây. Tuy đối tượng chủ yếu là các em thiếu nhi, nhưng trong tư cách một dạng thức nghệ thuật văn chương, sách tranh không ngừng mở rộng chính nó, không ngừng xóa đi những giới hạn về độ tuổi độc giả mà nó hướng tới, bằng sự giàu có đa dạng của nhiều dạng thức sách tranh khác nhau.
Nhưng nói gì thì nói, đối tượng tiên quyết của nó vẫn là thế giới tâm hồn trẻ thơ bao la mơ mộng. Và không gì hấp dẫn với các em hơn một câu chuyện phiêu lưu được kể lại bằng hình ảnh, kết hợp những khả năng, sức gợi của ngôn ngữ truyện và hình ảnh tranh vẽ để kích thích khả năng ngôn ngữ, khiếu thẩm mỹ, đặc biệt là trí tưởng tượng. Những cuốn sách tranh nổi bật trong mùa hè này như: Những người khổng lồ cuối cùng (François Place), Ở nơi quỷ sứ giặc non (Maurice Sendak)… từ lâu, đã trở thành những tác phẩm kinh điển của dòng sách này. Khác với truyện tranh (comic), khác với sách có minh họa (illustrated book), những cuốn sách tranh có đặc điểm riêng về phương thức biểu hiện: sách thường có khổ lớn, nhiều màu sắc; đan xen hai mạch kể bằng phần lời và phần tranh; nội dung câu chuyện đơn giản và không quá dài… Nó vô cùng phù hợp với bước đầu trẻ làm quen với việc đọc. Sự hấp dẫn từ hình ảnh, sự cô đọng, chắt lọc của từ ngữ sẽ giúp các em khám phá mối quan hệ giữa từ ngữ, hình ảnh và thế giới mà các em trải nghiệm hàng ngày. Thông qua các câu chuyện và những hình ảnh sinh động, nó đưa các em vào những cuộc phiêu lưu, cùng với các nhân vật ngộ nghĩnh trong thế giới thần tiên đầy màu sắc.
Tác phẩm Những người khổng lồ cuối cùng (François Place) kể về một thế giới chỉ gồm 9 tạo vật kỳ lạ sinh sống. Họ hát cho những vì sao suốt đêm thâu, họ mang trên làn da mình hài hài sông núi ao hồ, họ chính là những người khổng lồ. Cái xứ sở họ sống đã được nhân vật Ruthmore - một nhà thám hiểm - phát hiện. Cuộc phiêu lưu trong xứ sở những người khổng lồ cứ thế mở ra với bao tình tiết. Và François Place miêu tả vùng đất huyền bí của mình hết sức sinh động. Từ việc sắp xếp các sự kiện tưởng tượng thành một câu chuyện, đến những hình minh họa ngập tràn màu sắc đều nhằm thuyết phục sự tồn tại của thế giới ấy và khẳng định sự thật về câu chuyện mà chúng ta đang đọc. Ở nơi quỷ sứ giặc non của Maurice Sendak lại là một cuộc phiêu lưu khác. Câu chuyện kể về Max, một chú bé nghịch ngợm. Hành trình của chú bé, hành trình của những “quỷ sứ giặc non” luôn làm trái ý ba mẹ, hoá ra rồi lại dẫn chúng về bên gia đình, bên những người luôn chờ đợi và yêu thương chúng…
Có thể thấy, sách tranh cho thiếu nhi có những tiềm năng rộng lớn, cả dạng sách tranh mang tính thông tin kiến thức, hay sách tranh gắn liền với một câu chuyện nào đó. Tuy nhiên, hiện nay, sách tranh ở Việt Nam chủ yếu là sách dịch. Còn những tác phẩm có xuất xứ từ các họa sĩ và nhà văn trong nước, hãy còn rất hiếm hoi, vẫn đang chờ đợi những nỗ lực và động thái mới của cả người sáng tác và các nhà làm sách.
Hè này, lướt qua một vài đầu sách dành cho thiếu nhi, đặc biệt là sách tranh, ta có thể cảm nhận phần nào những hơi thở và tương lai của thị trường sách trong thời gian sắp tới. Sự kết hợp sinh động những khả thể, sự nhanh nhạy trong việc giới thiệu các tác phẩm thiếu nhi kinh điển trên thế giới, hay sức mạnh nội sinh từ các nhà văn và họa sĩ làm sách thiếu nhi trong nước… mở ra những cơ hội để mảng sách thiếu nhi ngày càng phong phú, hấp dẫn. Trong ý nghĩa đó, nó còn là cuộc phiêu lưu của những người viết sách – làm sách, để nâng cao những cánh diều thơ trẻ trong bầu trời lấp lánh giấc mơ bảy sắc cầu vồng.
LÊ MINH KHA