Những nốt nhạc vượt lên số phận
Mang trên mình những di chứng của chiến tranh, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề; nhưng với nghị lực và niềm tin, những nạn nhân chất độc da cam/dioxin vẫn tìm đến âm nhạc để được sống với đam mê và cống hiến.
1.
Một buổi chiều cuối tháng 5, cái nóng vẫn cứ oi cứ bức. Tôi có mặt tại Trung tâm VH-TT-TT huyện Hoài Ân, nơi diễn ra buổi biểu diễn của Đoàn nghệ thuật nhân đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/ dioxin của Công ty TNHH Tổ chức biểu diễn Biển Gọi Quy Nhơn (có trụ sở tại xã Ân Phong, huyện Hoài Ân). Đây là buổi biểu diễn để Đoàn công tác của Sở VH-TT&DL thẩm định, cấp giấy phép hoạt động cho Đoàn như một tổ chức nghề nghiệp. Dẫu chất độc da cam khiến cho “dị hình cảm xúc” nhưng không khó để nhận ra sự phấn khích đến tột cùng trên các gương mặt của từng thành viên.
Nguyễn Văn Trường đệm đàn theo tiếng hát của chị Nguyễn Thị Đào.
Buổi biểu diễn bắt đầu. Chất giọng ngọt ngào, sâu lắng của Nguyễn Văn Trường (SN 1994, ở Hoài Ân - bị mù hai mắt) với bài ca cổ “Em sẽ về đâu” như len lỏi vào tận tâm hồn và lâng lâng niềm cảm xúc người xem. Em Lê Thị Giang, học sinh Trường THPT Hoài Ân, xúc động: “Thật khâm phục khả năng và nghị lực của các anh chị; thân thể không lành lặn nhưng những gì các anh chị thể hiện nhiều người bình thường khó có thể làm được”. Còn cô Trần Thanh Huệ, một cán bộ hưu trí ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, nói: “Cần có những đoàn nghệ thuật như thế này để các em kém may mắn được hòa nhập và có những đóng góp cho phong trào văn hóa, văn nghệ địa phương”.
Hiện tại, Đoàn có 11 thành viên bao gồm Trưởng đoàn, MC, nhạc công, ca sĩ. Nhưng có đến 7 người trong số đó mắc những di chứng do nhiễm chất độc da cam, người bị mù, người bị teo chân, teo tay và có cả người phải ngồi xe lăn. Chị Nguyễn Thị Đào (SN 1970, ở Tuy Phước - bị teo một chân) tâm sự: “Anh em trong Đoàn ai cũng mê nhạc. Trước đây, mặc cảm, tự ti ghê lắm, nhưng giờ được hát thế này như có thêm động lực để tụi em vươn lên”.
2.
Xuất phát từ ý tưởng tạo cơ hội những nạn nhân da cam có điều kiện thể hiện khả năng và có cuộc sống đầy đủ hơn về vật chất, tinh thần, từ cuối năm 2014, anh Đặng Ái Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Tổ chức biểu diễn Biển Gọi Quy Nhơn đã đứng ra tập hợp các anh chị em có năng khiếu âm nhạc; đầu tư mua nhạc cụ và tổ chức tập luyện. Anh Quốc chia sẻ: “Mình đã bỏ tiền túi gần 100 triệu đồng để mua nhạc cụ, sân khấu và tổ chức tập luyện mấy tháng nay. Đồng thời, làm các thủ tục hồ sơ xin giấy phép hoạt động. Không vì mục đích lợi nhuận bản thân, quan trọng là tạo điều kiện cho các anh chị em được sống hòa nhập, cống hiến và cũng mong được quan tâm để các anh chị em có cuộc sống đầy đủ hơn”.
Nói về dự định trong thời gian đến, anh Quốc cho biết: “Tuần sau, chúng tôi sẽ được nhận giấy phép hoạt động. Chúng tôi sẽ tập hợp thêm các thành viên và tổ chức các chuyến biểu diễn tại các xã, thị trấn, trường học trên địa bàn tỉnh; số tiền quyên góp được sẽ dành cho các anh chị em; đồng thời, sẽ đóng góp vào quỹ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam của tỉnh”.
Tâm sự với tôi về niềm vui được đi hát trong thời gian sắp đến, Nguyễn Văn Trường nói: “Đi hát phục vụ cho bà con là điều em chưa từng nghĩ đến. Được thế này, em và mỗi thành viên sẽ cố gắng để thể hiện tốt hơn nữa. Anh nhớ ủng hộ, cổ vũ cho tụi em nha”. Câu nói chân thành, giản đơn khiến tôi chạnh lòng.
Ông Võ Văn Tín, Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện Hoài Ân- người theo dõi, giúp đỡ Đoàn trong thời gian qua, cho hay: “Việc thành lập Đoàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để các nạn nhân da cam nói riêng, những người khuyết tật nói chung được thể hiện khả năng, sống tự tin hơn. Trong thời gian đến, trong phạm vi khả năng, Phòng sẽ tạo mọi điều kiện để Đoàn ngày càng phát triển, hoạt động mạnh mẽ”.
TỐNG BÌNH