Báo chí đồng hành cùng nghệ thuật tuồng
Báo chí là lực lượng luôn đồng hành cùng cuộc sống. Ở tỉnh ta, các cơ quan báo chí đã hỗ trợ thông tin khá nhiều cho nghệ thuật tuồng. Trong bối cảnh bộ môn nghệ thuật này đang gặp không ít khó khăn, sự hỗ trợ này là rất quý.
Nghệ thuật tuồng là vốn quý của văn hóa truyền thống, luôn được đội ngũ báo chí của tỉnh nhà chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng dưới các hình thức: Báo in, tạp chí, báo hình, báo điện tử… Nhờ đó, nghệ thuật tuồng được nhân dân đón nhận nhiệt thành và phát huy trong đời sống. Trưởng thành từ cái nôi của nghệ thuật tuồng, Nhà hát tuồng Đào Tấn cũng như các đơn vị tuồng nghiệp dư trong tỉnh không ngừng nỗ lực duy trì, phát triển “món ăn tinh thần” không thể thiếu của người dân xứ “Nẫu”. Hằng năm, Nhà hát tổ chức xây dựng các tiết mục mới, phục hồi - nâng cao một số vở diễn cổ, coi trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực... nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu, thị hiếu của nhiều đối tượng khán giả.
Các đoàn tuồng không chuyên cũng biết cách “làm mới” mình nên vẫn được khán giả ưa chuộng và luôn có “đất” diễn. Đó là nét đặc trưng của tuồng Bình Định, luôn song hành tồn tại cả chuyên nghiệp và không chuyên. Vì thế, tuồng không những hiện hữu trên sân khấu chuyên nghiệp mà còn trong các buổi phục vụ các sự kiện, kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh cũng như cả nước. Qua thời gian với các cuộc thi trên toàn quốc, tuồng Bình Định đã khẳng định được thế mạnh, chỗ đứng của mình, xứng đáng là quê hương của Hậu tổ Tuồng Đào Tấn. Những thành quả đạt được có sự đóng góp của lực lượng báo chí tỉnh nhà như: Báo Bình Định, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định, Tạp chí Văn nghệ Bình Định, Tạp chí Văn hóa Bình Định, Tạp chí Sở Khoa học - Công nghệ Bình Định… và một số báo, tạp chí ở Trung ương như Tạp chí Nghệ thuật biểu diễn, Tạp chí Sân khấu Việt Nam, Tạp chí Văn hiến Việt Nam…
Với các hình thức đa dạng, phong phú như đăng tin, bài, ảnh, trên các báo, tạp chí, tổ chức truyền hình trực tiếp tại sân khấu và phát vào tối thứ 7 tuần cuối cùng của tháng, quay video các vở diễn, trích đoạn tuồng, vai diễn mẫu mực nhân các Hội thi, Hội diễn, Liên hoan nghệ thuật tuồng chuyên nghiệp toàn quốc, hay đọc bài về nghệ thuật tuồng trên sóng PT-TH của tỉnh. Đặc biệt, Đài PT-TH Bình Định đã từng mở hẳn chuyên mục “Đến với sân khấu truyền thống”giới thiệu những kiến thức lý luận cơ bản cũng như các trích đoạn tuồng mẫu do các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú nổi tiếng biểu diễn giúp người xem biết được cái hay, cái đẹp của bộ môn này. Một mặt, tên tuổi, tài năng của các nghệ sĩ hát bội cũng được giới mộ điệu biết đến là “liều thuốc tinh thần” rất hiệu quả giúp họ có thêm động lực để cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Mặt khác, thông qua báo chí mà các khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ hiểu giá trị của nghệ thuật tuồng, theo nghề nối nghiệp để giữ gìn vốn quý của cha ông. Cũng nhờ sự vào cuộc kịp thời, sôi nổi của đội ngũ báo chí tỉnh nhà mà tiếng trống chầu tuồng Bình Định có dịp vang xa đến nhiều nơi trên thế giới: Ba Lan, CHLB Đức, Anh, Pháp, Nga, Hoa Kỳ… được công chúng quốc tế đánh giá cao.
Có thể nói, trong thời gian qua lực lượng báo chí ở tỉnh ta đã đồng hành cũng với nghệ thuật tuồng nói chung và tuồng Bình Định nói riêng, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay. Có lẽ đây cũng là nét “duyên đẹp” giữa nghệ thuật tuồng và báo chí trên vùng “đất Võ trời Văn”.
THÚY HƯỜNG