Trắng đêm in báo
Ðến Công ty In Nhân Dân Bình Ðịnh vào lúc 23 giờ đêm, tôi nghe tiếng máy in chạy đều đều và những công nhân đang miệt mài thao tác bên những cỗ máy, cùng những chồng báo mới in còn thơm mùi mực.
Thời điểm này, Công ty In Nhân Dân Bình Định là đơn vị in nhiều đầu báo nhất miền Trung và Tây Nguyên, lúc cao điểm là 10 tờ báo/ngày. Công ty đang in 6 tờ nhật báo: Nhân dân, Bình Định, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Quảng Ngãi, Bóng Đá và 2 ấn phẩm của Báo Nhân Dân là Nhân Dân cuối tuần, Thời Nay. Do các báo đều ra báo ngày nên công việc in báo và gấp báo được thực hiện vào tất cả các ngày trong tuần kịp đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin của bạn đọc. Tuy Công ty trang bị được máy móc và thiết bị in ấn hiện đại nhưng người chịu trách nhiệm vận hành chính vẫn là những công nhân. Công việc in báo bắt đầu từ 22 giờ và xong việc thường vào 3 giờ sáng. Từ lúc đó đến 4 giờ 30 phút là công đoạn gấp báo, gói báo để kịp giao báo cho khách hàng, phát hành đến người đọc vào sáng sớm.
Ông Huỳnh Trung Thông, Phó quản đốc phân xưởng in, có gần 20 năm phụ trách việc in báo, cho biết: “Mỗi máy in báo có 2 thợ in và cán bộ kỹ thuật giám sát. Trong đó, một thợ in nhận giấy và làm các công đoạn như tơi giấy để kiểm tra chất lượng và kiểm soát đầu ra. Còn một thợ in lắp bản kẽm lên ống in rồi vận hành máy. Công ty sử dụng 2 hệ thống máy in cuộn Citiline Express 2 tháp - 16 đơn vị và Orient 1 tháp 8 đơn vị của Đức để in báo, 2 máy in 4 màu và 2 máy in 2 màu. Riêng máy in cuộn Citiline Express 2 tháp - 16 đơn vị có tốc độ in 20.000 đến 36.000 tờ/giờ, đảm bảo việc in ấn được xuyên suốt đúng tiến độ giao hàng”.
Anh Phan Tuấn Hải, Máy phó máy in cuộn Citiline Express, 12 năm anh làm việc tại Công ty thì 7 năm đã đứng máy in báo, tâm sự: “Các tờ báo in ra là sản phẩm tập thể, nếu để xảy ra sai sót dù nhỏ nhất thì không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho đơn vị mà còn làm mất uy tín đối với khách hàng. Các lỗi trong quá trình in báo có thể xảy ra từ các công đoạn: Bình bản, tách màu, pha mực in và chỉnh máy móc trong khi công việc in báo lại luôn diễn ra vào đêm khuya. Nếu không tập trung cao độ, tỉnh táo và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận thì sai sót không thể tránh khỏi. Giờ tôi quen với việc lấy đêm làm ngày, hôm nào không đi làm về nhà cũng không ngủ được”.
Trong quá trình máy in, công nhân in không được nghỉ tay mà phải liên tục giám sát để phát hiện kịp thời những lỗi sai. Anh Nguyễn Văn Dũng thâm niên 10 năm đứng máy in 4 màu, chia sẻ: “Công việc tưởng chừng đơn giản chỉ đợi máy in hết ra giống như photo nhưng lại không phải như thế. Rất có thể nhiều sai sót sẽ xảy ra như: hụt mực làm cho chữ mờ, hụt nước bản in sẽ bị nhòe, bị mất chữ, giấy bị gấp mép, bị nhăn. Do vậy mà các công nhân in phải kiểm tra liên tục để khắc phục kịp thời các lỗi”.
Báo in xong, các công nhân trong Tổ báo tiếp tục làm công đoạn lồng báo, cắt xén, đóng gói giao cho từng khách hàng đủ số lượng, đến khi xong việc là trời đã sáng. Chị Nguyễn Thị Bích Vân, làm ở Tổ báo 9 năm, tâm sự: “Công nhân in báo ngày ngủ đêm làm nên rất vất vả, nếu không được chồng con chia sẻ, tạo điều kiện khó mà gắn bó lâu dài với công việc”.
Rời nhà in trời bắt đầu sáng, anh Nguyễn Duy Trình, Tổ trưởng tổ báo vừa đi giao báo cho các đơn vị vừa thổ lộ: “Sáng sáng cầm trên tay tờ báo còn thơm mùi mực, mọi người thường tập trung xem hôm nay báo có những bài viết gì, của tác giả nào, chứ mấy ai biết rằng đêm qua, những công nhân in thức trắng đêm để in ra những tờ báo. Biết là vậy nhưng chúng tôi cũng hãnh diện vì góp một phần công sức để đưa thông tin nhanh nhất trên mặt báo cho tất cả mọi người”.
NGUYỄN PHÚC