“Đỏ mắt” tìm nước sinh hoạt
Những ngày qua, những đợt nắng nóng kéo dài đã khiến nhiều nơi trên địa bàn tỉnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Bà con nhiều nơi đang chật vật tìm nước, mua nước để dùng.
Những cái giếng trơ đáy
Hơn một tháng nay, cái nắng hầm hập khiến ruộng đồng ở hai xã Bình Nghi và Bình Thành (huyện Tây Sơn) khô khốc, nứt nẻ. Hàng trăm giếng đào sâu hơn 10m trong vùng đã kiệt nước đến tận đáy. Chỉ cho chúng tôi xem vào lòng giếng đã đóng mạng nhện và đáy giếng khô rang, lộ đất đá, ông Nguyễn Văn Sỹ (62 tuổi, ở xóm 6, thôn 2, xã Bình Nghi) nói: “Gần một tháng rồi, tôi không đụng đến cái giếng. Nhìn xuống giếng chỉ thấy buồn thêm”.
Anh Kỳ cẩn thận chắt nước múc được ở giếng công cộng cách nhà một con sông.
Sáng nào, ông Sỹ cũng tranh thủ đến nhà hàng xóm để xin nước về dùng. Một xô, hai xô nước xin được đầu ngày được phân phối cho vệ sinh cá nhân, nấu nướng trong ngày. Riêng nước rửa rau, rửa mặt, ông hứng vào thau để dành rửa tay, rửa chân. Quần áo được ông gom, vài hôm mang ra sông giặt một lần.
Ông Sỹ kể thêm: “Những cái giếng tôi có thể xin nước được, bây giờ còn ít lắm! Hầu hết đều ở tình trạng nhìn rõ đáy, chỉ còn khoảng 20% nước so với bình thường. Vậy nên, tôi phải dùng nước thật tiện tặn. Nhà không nuôi con gà, con chó nên cũng đỡ lo nước cho chúng nó. Cây cảnh trong sân thì đành mặc kệ, chờ nước trời thôi”.
Có giếng khoan sâu 18m nhưng những ngày này, anh Nguyễn Ngọc Quang (43 tuổi, cũng ở thôn 2, xã Bình Nghi) thấp thỏm. Anh tâm sự: “Để giếng lắng cả đêm mà sáng hôm sau, tôi vừa bơm lên được vài phút là hết nước. Số nước này hiện “gói ghém” vừa đủ cho 4 thành viên và 1.500 con gà phía sau nhà. Vài ngày tới mà không mưa, tôi sợ rằng cả nhà phải nhịn nước để cho gà hoặc bán sớm đàn gà”, anh Quang tâm sự.
Xứ mặn khát nước
Xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) hiện đang có gần 1.700/3.338 hộ dân (6.980 nhân khẩu) đang sống trong cảnh thiếu nước. Lý giải về tình trạng này, ông Trần Văn Sang, Chủ tịch UBND xã, khái quát: “Là vùng đất nằm giáp ranh với đầm, biển, những giếng nước ở Mỹ Chánh luôn trong tình trạng nhiễm phèn, nhiễm mặn. Thời gian qua, việc Nhà máy nước sạch Mỹ Chánh ngừng hoạt động khiến nỗi bức xúc vì thiếu nước của người dân thêm căng thẳng. Mùa khô càng kéo dài, số hộ dân sống trong cảnh thiếu nước nhiều thêm”.
Theo ông Sang, 5 năm trước, nếu thiếu nước, bà con sẽ ra sông La Tinh, gạt cát, lắng lấy phần nước trong về dùng tạm. Khi nạn khai thác cát tăng lên, người dân nuôi thả vịt trên sông làm ô nhiễm nguồn nước ngọt, câu chuyện lấy nước sông về dùng tạm vào mùa khô trở thành xưa cũ. Hiện nay, để có nước sinh hoạt, bà con phải đi lấy nước từ các giếng ở ven núi hoặc mua nước từ những vùng lân cận.
Chúng tôi gặp anh Đặng Cao Kỳ (43 tuổi, ở thôn An Xuyên 2, xã Mỹ Chánh) khi đang loay hoay xách nước ở một cái giếng thuộc thôn Trung Xuân (xã Mỹ Chánh). Để tới được giếng này, anh phải chèo đò qua dòng La Tinh. Mang theo cả chục can rỗng để đựng nước nhưng sau nửa giờ đồng hồ nhẫn nại xách từng gàu nước nhỏ, anh Kỳ chỉ hứng được 2 xô nước.
Anh Kỳ bỏ nhỏ: “Nước này là tôi xách về chòi nuôi tôm để phục vụ tắm rửa. Cái nghề gắn với nước mặn mà không có nước ngọt là khó chịu lắm. Nhiều lúc để lấy được nhiều nước, tôi chọn đi lúc nửa đêm, rạng sáng. Đi ban ngày, nhiều khi không tranh lại được với máy bơm đặt sẵn của mấy quán nhậu ở gần giếng nước”.
Cùng với xã Mỹ Chánh, xã “hàng xóm” Mỹ Thành cũng đang trong cảnh “khát” nước. Ông Trần Lê (84 tuổi, ở thôn Xuân Bình Nam, xã Mỹ Thành) chia sẻ: “Bà con ở đây mua nước để nấu nướng hàng ngày đã một thời gian rồi. Cứ 2.000 đồng thì mua được một thùng nước ngọt 20 lít. Nhà tôi có tất cả 6 người dùng khoảng 2 thùng nước/ngày”.
NGUYỄN MUỘI