25 năm “canh giấc” cho liệt sĩ
Từ năm 1990 đến nay, bà Nguyễn Thị Hiến (58 tuổi, ở khối 1, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) không quản nắng mưa nhiệt tình chăm sóc 86 ngôi mộ ở Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Phú Phong.
Góp lòng tri ân
Trời tháng 6 nắng như thiêu như đốt, bà Hiến vẫn nhẫn nại dọn cỏ, nhặt rác trên các ngôi mộ liệt sĩ. Thỉnh thoảng bà dừng lại trước bia mộ, dùng khăn lau từng hàng chữ bị bụi phủ mờ. Sau nhiều năm làm việc tại nghĩa trang, trong trí nhớ bà Hiến đã hình thành một sơ đồ các ngôi mộ mà tên họ, quê quán, ngày mất... của các liệt sĩ, ai đến hỏi vị trí nào bà cũng có thể chỉ được ngay. Tận dụng khoảnh đất trống trước nghĩa trang, bà Hiến phân chia từng ô để trồng các loại hoa. Nào vạn thọ, cúc, mười giờ, cả hàng rào xanh ngay cổng đi vào Nghĩa trang cũng được chăm chút một cách gọn ghẽ và có thẩm mỹ.
Ngày nào không ra nghĩa trang là bà Nguyễn Thị Hiến lại thấy nhớ. Ảnh: TÙY PHONG
“Công việc của tôi là dọn dẹp cỏ rác, quét các phần mộ, thắp hương cho các liệt sĩ mỗi ngày. Đơn giản vậy nhưng ngày nào không ra nghĩa trang là tui thấy nhớ à. Điều quan trọng là mình góp phần vào việc tri ân những người đã ngã xuống để đất nước có được hòa bình, độc lập như hôm nay, trong đó có cả cha tôi và đồng đội của chồng tôi”, bà Hiến tự hào.
Bà Hiến kể, lúc mới nhận việc quản trang bà cũng hơi sợ. Khi ấy, vợ chồng bà khổ quá, 3 đứa con nhỏ còn nheo nhóc mà một “miếng đất cắm dùi” không có. Gặp lúc chính quyền đang cần người quản trang ở Nghĩa trang thị trấn Phú Phong và cho mượn căn nhà được xây dựng dành cho người quản trang ở nên bà bàn với chồng xung phong nhận ngay. Hồi đó, ai cũng lắc đầu, khen bà “gan”. Còn bà lại nghĩ “các liệt sĩ có cuộc sống của họ, mình có cuộc sống của mình. Hàng ngày, mình đều ra hương khói, quét dọn không biết chừng họ thương, họ phù hộ”.
Vậy là vợ chồng bà chuyển đến ngôi nhà chừng 50 mét vuông nằm hiu quạnh giữa cánh đồng trống, được xây sát bờ tường của Nghĩa trang liệt sĩ. Nhà xây trên đất ruộng, nền nhà rất thấp nên nước mương từ cánh đồng cứ chảy tràn vào sân. “Có lần tôi đang đi làm, hàng xóm chạy ra kêu về nhà lo giữ con kẻo mấy đứa nhỏ đuối nước. Thuở đó nước chảy vào sân ngập hơn đầu gối người lớn, mấy đứa con còn nhỏ quá, thấy nước nên ham, lấy thau làm thuyền, ngồi lên chống đẩy. Tôi về thấy vậy mà rưng rưng. Cha mẹ khổ làm con khổ theo”, bà Hiến ngậm ngùi nhớ lại.
Nuôi dạy con nên người
Được chính quyền cho phép, vợ chồng bà Hiến tận dụng khu đất trống ở nghĩa trang để trồng hoa vào dịp Tết để có thêm thu nhập lo cho 3 người con ăn học. Ngày nhỏ, các con của bà cũng thường ra phụ ba mẹ chăm sóc, quét tước phần mộ liệt sĩ, trồng hoa, nhổ cỏ. Hiện, cả 3 đều đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định tại TP Hồ Chí Minh. Bà bùi ngùi xúc động: “Ngày nào tui cũng thầm cảm ơn nhà nước đã giúp mình có chỗ che nắng, che mưa đặng yên tâm mà lo cho con cái. Hình như anh linh các liệt sĩ cũng phù hộ cho các con tôi được học hành đến nơi đến chốn. Càng nghĩ vậy, tui cảm thấy càng cần phải có bổn phận trông coi, chăm sóc nơi an nghỉ các liệt sĩ chu đáo. Hàng năm, cứ vào quãng tháng 10 âm lịch, con trai tui lại gửi hạt giống hoa về để tui ương trồng chuẩn bị cho vụ hoa tết. Khi có cây giống, tui lựa những cây tốt, đẹp nhất đem ra trồng ở nghĩa trang”.
Hàng năm, cứ vào quãng tháng 10 âm lịch, con trai tui lại gửi hạt giống hoa về để tui ương trồng chuẩn bị cho vụ hoa tết. Khi có cây giống, tui lựa những cây tốt, đẹp nhất đem ra trồng ở nghĩa trang
Bà Nguyễn Thị Hiến (58 tuổi, ở khối 1, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn)
Trong Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Phú Phong có mộ của cha bà Hiến là liệt sĩ Nguyễn Xuân Diệu và 2 ngôi mộ của đồng đội chung đơn vị của chồng bà hy sinh tại chiến trường Campuchia năm 1987 là liệt sĩ Nguyễn Văn Thanh và Nguyễn Xuân. Ông Nguyễn Văn Đức, chồng bà Hiến tâm sự: “Những ngày kỷ niệm lớn, anh em trong đơn vị cũ thường tập trung về đây thắp nén hương tưởng nhớ đồng đội. Tôi mời họ vào trong nhà nghỉ ngơi nhưng họ nhất quyết không chịu, một mực đòi ra nằm ở khu đài tưởng niệm. Họ bảo muốn được nằm bên đồng đội, muốn được ôn lại câu chuyện một thời chiến tranh”.
Ông Đào Văn Hồng, Phó Phòng Lao động-TB&XH huyện Tây Sơn cho biết, vợ chồng bà Nguyễn Thị Hiến nhiều năm liền nhận coi sóc nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Phú Phong. Mỗi năm UBND thị trấn Phú Phong hợp đồng 6 triệu đồng để họ trông coi, dọn dẹp và săn sóc mộ phần liệt sĩ. Họ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, tận tình, chu đáo và trong bàn tay chăm sóc của họ nghĩa trang ngày càng đẹp. “Nếu là người không có tấm lòng thực sự thì khó mà bằng lòng với khoản tiền ít ỏi này. Bù lại, chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện cho vợ chồng họ được canh tác trên những phần đất trống, trồng hoa vào dịp Tết”, ông nói.
TÙY PHONG