Lương duyên
Tản văn của Trần Thị Huyền Trang
Sáng nay tôi đi viếng tang. Sau khi thắp hương, mấy anh em nán lại hỏi han, chia buồn với gia đình. Người chồng vừa mất vợ kể: Hai năm nay, tôi đi nuôi bả khắp các bệnh viện, bác sĩ cho chuyển bả đi đâu điều trị, tôi đều dắt bả đi. Lâu lâu, giữa hai đợt điều trị, hai vợ chồng già quay về nhà quét tước dọn dẹp, ít bữa lại đi. Giờ bả đi, không còn ai để tôi chăm sóc, thấy mình thừa ra, nhà cửa lạnh lẽo trống vắng.
Đồng bào Thái có khái niệm "héo" để diễn tả nỗi buồn mất người yêu. Tôi cảm thấy người đàn ông trước mặt đang trong trạng thái đó. Ông nói rằng ông đã lấy cho mình một vuông đất bên cạnh chỗ của vợ. Trước đây, ông kể, mỗi khi tôi qua thôn nọ thôn kia chơi với bạn, bà nhà tôi đi chợ nấu cơm, nấu xong đi kiếm gọi tôi về ăn cùng. Miếng rau, miếng cá, miếng cơm - giản dị nhưng điều độ, nay bả mất rồi, tôi đi lâu không ai gọi, tàn cuộc nhậu về nhà không có vợ và không có... cơm. Chắc tôi sẽ ốm, sẽ sớm theo bả thôi, ngày tháng còn lại của tôi không mấy lăm nữa.
Anh có con cái chứ? Có, nhưng chúng nó lập gia đình, đi làm ăn xa, ở riêng hết rồi. Chúng có muốn đón tôi về ở chung, tôi cũng không... Tôi ở đây quen rồi, tự lo cho mình thôi, được ngày nào thì được.
Dường như để an ủi người chồng, một người hàng xóm nói về chữ duyên. Giữa người với người phải có rất nhiều mối lương duyên tiền kiếp mới trở thành mẹ con, cha con, anh em, vợ chồng, thầy trò, bè bạn. Mất nhau nghĩa là lương duyên đã dứt. Người sống nên nén lòng chấp nhận để người chết thanh thản ra đi.
Ông hỏi: Tạo lương duyên bằng cách nào? Tôi sẽ cố gắng để lại được gặp bà ấy.
Nghe mà ngậm ngùi.
T.T.H.T