Chốn về
Cách đây vài năm, trên đường đi công tác ngang qua xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tôi để mắt thấy một ngôi nhà khá kỳ lạ. Vậy nhưng, mãi gần đây tôi mới có dịp ghé vào.
Đặt chân vào khu vườn- nhà ấy gói gọn trong tôi là trạng thái: ngạc nhiên và thư thái. Ngạc nhiên bởi sự tỉ mẩn đến kỳ công và sáng tạo của gia chủ trong xây dựng, bài trí quần thể nhà mang đậm phong cách nghệ sĩ, ngẫu hứng. Thư thái là bởi người và nhà đều giao hòa với thiên nhiên. Mở cửa ra là gió, hương đồng gió nội của ba bề bốn bên ruộng lúa ùa vào nhà.
Ông Phan Phương, 83 tuổi, chủ nhân của mảnh đất này, nói: “Tôi có 5 đứa con thì 3 lập nghiệp ở Sài Gòn, hai đứa ở lại đây, trên mảnh đất rộng hơn 4.000 m2 cha ông để lại. Rồi 5 anh em chúng bàn nhau cùng xây dựng nhà, vợ chồng tôi già chẳng tham gia gì”.
Anh Phan Thành Vinh, con trai thứ hai của ông Phương, tiếp lời cha: “Mấy anh em chúng tôi đồng quan niệm nhà là chỗ con cháu đi về, đi đâu xa cũng không thể quên được ngôi nhà của mình. Mình xây nhà để cho nay mai con cháu, đứa ở lại, đứa đi về đều có chỗ sum họp ngay trên mảnh đất cha ông. 2 trong số 5 anh em chúng tôi là dân nghệ sĩ nên từ việc xây dựng, thiết kế đến bài trí trong nhà cũng không theo một thiết kế nào. Ngẫu hứng, tự nhiên đến thô ráp.
Kẻ góp của, người góp công, góp ý tưởng. Họ lùng mua đá ong, gạch thẻ từ những công trình thời bao cấp nay đã bị phá bỏ, gỗ xây dựng là những thanh tà vẹt đường ray... như kiến tha lâu đầy tổ âm thầm chuẩn bị. Năm 2007, công trình được khởi công.
Ngoài cổng đi vào, phía bên trái là khoảnh sân cát, giếng tròn xây bằng đá cuội. Sát bên là ngôi nhà nhỏ dây thằn lằn bám từ trên mái xuống dưới chân tường nhà- đó là ngôi nhà chính của cha mẹ cũng là nơi thờ cúng. Cạnh đó là một ngôi nhà được xây bằng loại gạch dành cho gia đình người em.
Ngôi nhà chính hai tầng được xây lùi sâu hơn một chút theo phong cách mở cửa ra là thiên nhiên, là hồ nước, là rặng chuối cảnh hoa đỏ rủ xuống chạy hết chiều dài của phòng khách. Phòng ngủ được thiết kế vừa phải để dành không gian rộng cho phòng khách, phòng sinh hoạt chung- đủ chỗ cho cả đại gia đình khoảng vài chục người quần tụ mỗi khi sum họp trong dịp hè về, tết đến.
Trong vườn, bước qua mấy bậc đá, cây cầu là đến hai căn nhà nhỏ xây theo kiểu căn hộ khép kín để cho khách khứa, con cháu có thể rút về “chốn riêng”.
Anh Vinh vẫn đang tiếp tục công trình xây dựng ở sân trước - dự định sau này sẽ là phòng trưng bày tranh, ảnh của 2 họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh của gia đình. “Đi đâu làm gì tôi chỉ mong được về nhà, mặc bộ quần áo ở nhà, tưới cây, dọn vườn, cho cá ăn. Mấy đứa con cháu ở Sài Gòn mỗi lần về lại chẳng muốn đi nữa”, anh Vinh nói.
Còn tôi nghĩ, du khách nếu tình cờ đi ngang qua Phước Sơn, vốn lâu nay nổi tiếng món bánh xèo tôm nhảy của bà Năm Tuấn, nếu ghé vào ngôi nhà này thưởng ngoạn cũng thiệt khó dứt lòng.
Bài: THU HÀ
Ảnh: TUỲ PHONG