Góp ý dự án Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi:
Tòa án có quyền phán quyết tội danh nặng hơn tội viện kiểm sát đã truy tố
Ngày 17.6.2015, Quốc hội thảo luận về dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) sửa đổi. Ðại biểu Quốc hội (ÐBQH) Ðặng Công Lý (Ðoàn ÐBQH tỉnh Bình Ðịnh) cho rằng tòa án có quyền phán quyết tội danh nặng hơn tội mà viện kiểm sát nhân dân (VKS) truy tố. Sau đây là phần trích phát biểu của ÐBQH Ðặng Công Lý.
Tôi cơ bản tán thành Điều 293 Bộ luật TTHS đã được sửa đổi bổ sung bởi lẽ mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh. Việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội.
Tòa có quyền phán quyết tội danh nặng hơn
Theo Điều 196 Bộ luật TTHS hiện hành, tòa án không được xét xử bị cáo một tội danh nặng hơn tội VKS đã truy tố, mà chỉ được xét xử khung hình phạt nặng hơn trong điều luật mà VKS đã truy tố. Quy định này chưa thể hiện được việc đề cao kết quả tranh tụng tại phiên tòa như yêu cầu đã được xác định tại Nghị quyết số 08 và Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị; cũng không phù hợp với nguyên tắc hiến định, thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Mặt khác, việc quy định tòa án chỉ xét xử theo tội danh mà VKS đã truy tố là không phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội. Từ đó có thể dẫn đến trường hợp vụ án không được xem xét một cách khách quan, toàn diện vì khi xét xử, hội đồng xét xử chỉ tập trung kiểm tra tài liệu, chứng cứ xem bị cáo có phạm tội mà VKS đã truy tố hay không.
Theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, và cụ thể nội hàm quyền tư pháp tại Điểm c, Khoản 3, Điều 2 Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định: “Khi thực hiện nhiệm vụ xét xử vụ án hình sự, tòa án có quyền yêu cầu VKS bổ sung tài liệu chứng cứ hoặc tòa án đã kiểm tra, xác minh thu thập chứng cứ bổ sung với những tài liệu chứng cứ mới thu thập bổ sung”. Căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, tòa án - với tư cách là cơ quan được giao thực hiện quyền tư pháp - phải có quyền phán quyết về việc bị cáo đã phạm một tội danh nặng hơn tội danh mà VKS đã truy tố. Có như vậy tòa án mới thể hiện được quyền tư pháp, bảo vệ được quyền công lý, quyền con người, quyền công dân; việc xét xử mới đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng luật.
Trường hợp có căn cứ để xét xử bị cáo về tội nặng hơn tội mà VKS đã truy tố, tòa án trả hồ sơ để VKS quyết định truy tố lại. Nếu VKS vẫn giữ nguyên tội danh đã truy tố thì tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh khác nặng hơn tội danh mà VKS đã truy tố nhưng trong quá trình xét xử phải đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo và tuân thủ các quy định của Bộ luật TTHS.
Cần có các quy định mới về việc tòa án yêu cầu VKS bổ sung tài liệu
Về thẩm quyền của tòa án trong việc xác minh thu thập, bổ sung chứng cứ tại Điều 276 dự thảo, theo quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014, khi thực hiện nhiệm vụ xét xử vụ án hình sự, tòa án có quyền yêu cầu VKS bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc tòa án kiểm tra xác minh thu thập bổ sung chứng cứ theo quy định của Bộ luật TTHS, tức là Điểm c, Khoản 3, Điều 3. Do vậy, để tòa án thực hiện tốt quyền tư pháp, bảo đảm tính thống nhất đồng bộ giữa Luật Tổ chức TAND năm 2014 và Bộ luật TTHS sửa đổi, các nội dung nêu trên tiếp tục được cụ thể hóa trong Bộ luật TTHS sửa đổi. Tôi đồng tình với đề nghị bổ sung các quy định mới về yêu cầu VKS bổ sung tài liệu, chứng cứ theo Điều 275 dự thảo và tòa án xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ theo Điều 276 dự thảo.
Không nên bỏ biện pháp tạm giam với người phạm tội trên 70 tuổi
Tại Điều 93 sửa đổi, bổ sung, Khoản 4, Điều 93 quy định không áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo thuộc các trường hợp sau đây: Nếu họ có nơi cư trú rõ ràng, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, người 70 tuổi trở lên, người mắc bệnh hiểm nghèo, và một số trường hợp khác.
Tôi không đồng tình với việc không áp dụng biện pháp tạm giam đối với người từ 70 tuổi trở lên. Thực tế xét xử hiện nay cho thấy có nhiều đối tượng trên 70 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhất là các tội phạm về ma túy, nên việc bỏ hình thức tạm giam là chưa phù hợp với thực tiễn. Mặt khác, không có căn cứ nào để lấy mốc trên 70 tuổi. Nếu quy định cho rằng cần thể hiện chính sách nhân đạo đối với người cao tuổi thì việc này cũng chưa phù hợp vì theo Khoản 2, Luật Người cao tuổi quy định công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên đã là người cao tuổi. Do vậy, theo tôi người đủ 70 tuổi trở lên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nếu không tạm giam có thể sẽ gây khó khăn cho cơ quan điều tra, thụ lý giải quyết vụ án.
SỸ NGUYÊN (ghi)
-Cần phải cụ thể hóa việc chấm dứt tình trạng 3 ngành dựng lên án oan -Phải chấm dứt ngay tình trạng "án bỏ túi" -Đền bù án oan và xử lý hình sự các đối tượng tham gia làm án oan phải bằng thời gian oan sai của người dân vô tội