Tuy Phước: Nộp tiền gần 20 năm vẫn chưa được giao đất
Nhiều hộ dân ở xã Phước Nghĩa (Tuy Phước) nộp tiền cho UBND xã Phước Nghĩa để được giao đất, nhưng gần 20 năm trôi qua vẫn chưa thấy đất đâu.
Từ năm 1996 - 1999, UBND xã Phước Nghĩa có chủ trương kêu gọi người dân địa phương đóng góp tiền để san ủi mặt bằng khu vực có tục danh Gò Vông (thuộc thôn Hưng Nghĩa, xã Phước Nghĩa) phục vụ mục đích xây dựng trụ sở UBND xã và quy hoạch xây dựng khu dân cư; đổi lại, mỗi hộ dân sẽ được giao 1 thửa đất có diện tích từ 150m2 - 200m2. Hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền địa phương, năm 1996, bà Nguyễn Thị Bảy (SN 1951, trú thôn Hưng Nghĩa) - thuộc diện có công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - nộp 6 triệu đồng để được cấp lô đất có diện tích 150m2 tại khu vực Gò Vông. Thế nhưng, từ đó đến nay qua nhiều lần mời đi, mời lại để hoàn tất thủ tục cấp đất, bà Bảy vẫn không thấy đất đâu.
Bà Bảy bức xúc: “Tính đến nay đã gần 20 năm trôi qua tôi vẫn chưa được nhận đất. Cực nhất là hiện tôi chưa có nơi ở riêng, phải ở chung trong ngôi nhà tình nghĩa của mẹ già đã 97 tuổi (cụ Lê Thị Tục, SN 1918, thương binh hạng 3/4 - PV). Bức xúc, tôi nhiều lần gửi đơn cho xã, huyện nhưng đến nay chưa giải quyết dứt điểm. Tôi mong các cấp, các ngành có liên quan sớm xem xét, giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân”.
Qua tìm hiểu được biết, tại xã Phước Nghĩa còn có 18 trường hợp khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự bà Bảy; tổng số tiền mà UBND xã Phước Nghĩa đã thu của các hộ dân trong giai đoạn từ năm 1996 - 1999 là 89 triệu đồng; diện tích đất mà xã còn “nợ” các hộ đã nộp tiền là 3.350m2. Trong số 19 trường hợp đã nộp tiền cho xã, có 2 hộ dù chưa được ngành chức năng giao đất nhưng đã xây dựng nhà ở; 15 hộ còn lại (trong đó có trường hợp bà Bảy) hiện địa phương không còn đất để giao vì không còn phù hợp với quy hoạch và ảnh hưởng đến quy hoạch khu trung tâm xã đến năm 2020; chỉ 2 hộ còn lại may mắn thuộc diện còn đất để giao.
Liên quan việc này, ông Nguyễn Văn Nhựt, Chủ tịch UBND xã Phước Nghĩa, cho biết: “Toàn bộ 19 hộ nói trên rơi vào trường hợp địa phương thu tiền không đúng quy định (thu tiền khi chưa có chủ trương của cấp thẩm quyền - PV). Do đây là “hoàn cảnh lịch sử” của các đời chủ tịch UBND xã trước để lại nên hiện chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý. Bởi căn cứ các quy định hiện hành, UBND xã không đủ thẩm quyền giao đất cho các hộ; còn nếu trả lại tiền thì UBND xã cũng không có điều kiện. Việc này, vào ngày 4.8.2014, UBND xã Phước Nghĩa đã có văn bản báo cáo, xin chủ trương giải quyết của UBND huyện Tuy Phước, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được văn bản trả lời chính thức từ ngành chức năng của huyện”.
Trong khi đó, trả lời phóng viên Báo Bình Định qua điện thoại, ông Từ Hải, Trưởng Phòng TN-MT huyện Tuy Phước, cho rằng: “Quan điểm của huyện là giải quyết sớm để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, nhưng do vướng một số quy định của Luật Đất đai năm 2013 (có hiệu lực từ ngày 1.7.2014 - PV) nên chưa thể giải quyết dứt điểm. Huyện sẽ xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh để có thể xử lý dứt điểm trong thời gian sớm nhất”.
Mong rằng, UBND huyện Tuy Phước và các ngành chức năng có liên quan sớm xem xét, giải quyết dứt điểm vụ việc để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các hộ dân; đồng thời, tránh tình trạng khiếu nại kéo dài, ảnh hưởng không tốt đến dư luận địa phương.
VĂN LỰC