“Thủ thư làng” nhiệt huyết
Ở thôn Mỹ Cang, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), ai cũng biết và khen ngợi bà Huỳnh Thị Mai (60 tuổi), Chi hội phó Chi hội Nông dân thôn, một người rất tâm huyết với văn hóa đọc.
Bà Mai kể: “Tôi được giao công việc quản lý tủ sách nông dân do Hội Nông dân xã chuyển giao, thời điểm đó chỉ 200- 300 đầu sách, mỗi tháng chỉ mở cửa 1 lần. Nhưng thấy bạn đọc là các cháu thiếu nhi và chị em phụ nữ đến mượn sách đọc khá nhiều, tôi đề xuất chi hội mở cửa 2 lần/tháng, rồi đến 4 lần/tháng vào mỗi ngày Chủ nhật như hiện nay. Lượng sách do Hội Nông dân và Thư viện tỉnh luân chuyển, bổ sung 6 tháng một lần nên hiện tủ sách có khoảng 700 đầu sách”.
Nơi để tủ sách là trụ sở thôn, tuy không rộng rãi nhưng việc bố trí tủ đựng sách, bàn đọc hợp lý. Để phục vụ tốt bạn đọc, bà Mai đã sắp xếp công việc nhà để mở cửa thư viện đúng ngày, giờ vì mọi người trong thôn đã quen với lịch đọc. “Những lúc cấp trên báo thu hồi sách mượn để đổi sách luân chuyển, có khi đêm hôm, mưa gió, tôi cũng đến nhà bạn đọc để thu lại sách mượn”, bà Mai kể thêm.
Chị Nguyễn Thị Bích Liễu, bạn đọc thường xuyên của tủ sách nông dân thôn, cho biết: “Tủ sách Chi hội Nông dân thôn có đủ các thể loại sách cho mọi lứa tuổi. Tôi thường đọc các sách viết về hôn nhân gia đình, tiểu thuyết lịch sử, sách thuốc nam để tham khảo vận dụng trong chữa bệnh. Sách được mượn không phải thuê nên cứ đến ngày chị Mai mở cửa có hàng chục lượt người đến mượn - trả sách, trong đó có nhiều em học sinh. Tuy nhiên, số đầu sách như hiện nay vẫn phục vụ chưa đủ, thời gian luân chuyển sách quá dài (6 tháng/lần), nên đề nghị rút ngắn thời gian luân chuyển sách 1 quý/lần để bà con tiếp cận được sách mới”.
Nói về bà Mai, ông Trần Văn Đường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Sơn, chia sẻ: “Chị Mai rất có tinh thần trách nhiệm trong công tác Hội cũng như quản lý tủ sách do Hội Nông dân giao, bạn đọc đến mượn sách ngày một đông. Thấy chị khá tâm huyết với công việc, lại không có khoản phụ cấp nào nên năm 2014, Chi hội thôn và Hội Nông dân xã quyết định trích từ quỹ hội hỗ trợ cho chị 600 ngàn đồng gọi là bù đắp một phần công sức chị đã bỏ ra”.
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, việc phát triển mô hình tủ sách của các hội, cơ quan, đoàn thể ở các vùng nông thôn như trên cần duy trì, nhân rộng và phát huy.
XUÂN THỨC