Quảng trường trung tâm tỉnh: Nên phân định không gian cho các hoạt động
Quảng trường trung tâm tỉnh có không gian đẹp, thoáng mát, là điểm thu hút đông đảo người dân và du khách dạo chơi, thư giãn. Tuy nhiên, các hoạt động ở đây còn lộn xộn, cần được sự quan tâm của cơ quan quản lý sắp xếp lại trật tự; trong đó chú trọng phân định rõ ranh giới các phân khu chức năng.
Quảng trường trung tâm tỉnh được đưa vào sử dụng đầu năm nay. Với vị trí đắc địa, không gian thoáng đãng khi đưa vào sử dụng Quảng trường nhanh chóng thu hút đông đảo người dân đến đây dạo mát, thư giãn…
Đông người nhưng lộn xộn
Vào ban đêm, nhất là mùa hè, Quảng trường càng thu hút đông người đủ mọi lứa tuổi đến vui chơi trong những ngọn gió biển mát lành… Ông Nguyễn Văn Hải (65 tuổi), một cán bộ hưu trí nhà ở phường Ngô Mây, tâm sự: “Từ khi có Quảng trường, vợ chồng tôi thường rủ nhau dạo bộ, tập thể dục. Hòa vào không khí đông vui nơi quảng trường, xem các cháu nhỏ chơi đùa… càng cảm thấy cuộc sống của người dân ở phố mình thêm thư thái hơn”.
Do chưa có sự phân định về không gian cho các hoạt động, nên thanh thiếu niên đến chơi trượt patin nhiều nơi gây lộn xộn cho Quảng trường trung tâm tỉnh.
Cách đây vài tháng, rất đông người dân dẫn con, em ra thả diều vào mỗi buổi chiều tối tại Quảng trường. Sau khi có trường hợp thả diều bất cẩn gây tai nạn giao thông, việc thả diều đã bị cấm ở đây. Không còn thả diều, nhưng Quảng trường vẫn thêm phần nhộn nhịp bởi các bạn trẻ tìm đến trượt patin hằng đêm. Dù chưa gây tai nạn, nhưng tình trạng trượt patin khá lộn xộn ở các khu vực nên cũng được đề xuất cấm.
Theo văn bản vừa được UBND TP Quy Nhơn ban hành, Công ty cổ phần Công viên Cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn cần khẩn trương xây dựng Đề án quản lý khu vực Quảng trường trung tâm như quy định nơi đậu đỗ và trông giữ xe; không cho thả diều, trượt patin, chạy xe trong khu vực quảng trường; triển khai lắp đặt các bảng cấm giẫm đạp lên bãi cỏ, ngắt cành cây, hoa lá trong khuôn viên…
Qua tìm hiểu ý kiến của nhiều người dân đưa con cháu đến vui chơi tại Quảng trường, thì việc cấm thả diều, trượt patin còn chưa nhận được sự đồng tình. Chị Hồng Thủy, một người làm nghề kinh doanh nhà ở phường Lý Thường Kiệt, cho rằng: “Trong điều kiện Quy Nhơn rất ít điểm vui chơi dành cho trẻ em, thì đưa các con ra không gian ngoài trời sạch đẹp như ở Quảng trường để chơi các trò chơi lành mạnh là điều tốt. Quảng trường rộng lớn cũng cần phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt của người dân, tôi và nhiều người khác cảm thấy không hài lòng khi mới chỉ thấy cấm mà chưa quan tâm dành ra một khu vực tập trung và phù hợp phục vụ cho các loại hình vui chơi của thanh thiếu niên…”.
Phân định rõ các khu vực chức năng
“Để đưa hoạt động Quảng trường vào trật tự, bảo đảm tính văn hóa, thiết nghĩ đơn vị được giao quản lý Quảng trường là Công ty cổ phần Công viên Cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn cần phối hợp với Sở VH-TT&DL, Sở Xây dựng cùng các sở, ban, ngành liên quan để có sự thống nhất triển khai hiệu quả”, một người dân ở phường Lý Thường Kiệt cho biết.
Theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, Quảng trường trung tâm sẽ có nhiều chức năng như kết hợp lễ đài duyệt binh, các lễ hội, sự kiện văn hóa - chính trị…; đồng thời còn là không gian để người dân và du khách tập trung vui chơi, giải trí, nơi tổ chức các hoạt động nghệ thuật ngoài trời. Tuy nhiên, giai đoạn đầu Quảng trường đi vào hoạt động phục vụ cộng đồng còn khá lộn xộn là do chưa phân định rõ ràng các khu vực dành cho các hoạt động có tính chất khác nhau, nhất là sự phân định giữa giao thông với các hoạt động cộng đồng khác. Ngay cả “không gian thiếu nhi” theo như quy hoạch chi tiết của Quảng trường nằm ở phía các dải cây xanh cũng chưa định hình rõ trong thực tế.
Các kiến trúc sư có kinh nghiệm cho rằng, để phân định được không gian sử dụng thì cần xác định được công năng chính của quảng trường. Công năng này, về mặt vị trí cần phù hợp với chức năng của khu vực đô thị. Đối với khu vực gắn với cảnh quan thiên nhiên, các hoạt động thương mại, dịch vụ của TP Quy Nhơn như Quảng trường Trung tâm tỉnh thì nên bố trí “quảng trường nghỉ ngơi” và dành cho các hoạt động văn hóa. Khu vực Quảng trường hiện nay chủ yếu vẫn chỉ có hạng mục chính là mặt sân lát đá có diện tích khoảng 20.000 m2, cùng một số rất ít ô trồng cỏ, hoa, ghế đá… nhìn một cách tổng thể vẫn còn “đơn điệu” so với tầm cỡ Quảng trường của một đô thị loại 1. Do đó, Quảng trường cần tạo nét riêng qua việc có thêm các kiến trúc nhỏ và tác phẩm nghệ thuật để tạo cảnh quan, tính văn hóa, góp phần tạo bố cục và phân định các khu vực chức năng.
HOÀI THU