Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc: Cần đi vào chiều sâu
Trong những năm gần đây, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm đầu tư. Toàn tỉnh có 231 di tích đã được thống kê, thì đến nay có 114 di tích đã được xếp hạng (1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 35 di tích cấp quốc gia, 78 di tích cấp tỉnh) gồm các loại hình lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, danh lam thắng cảnh. Ngành văn hóa tỉnh nhà đã có sự tập trung cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Hiện đã có 88 di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào danh mục kiểm kê của tỉnh, trong đó có đến 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thành quả công tác bảo tồn di sản văn hóa đáng ghi nhận, tuy nhiên nhiều hoạt động chỉ mới mang tính bề rộng, chứ chưa thực sự đi vào chiều sâu. Do đó, dù cố gắng nhưng mới chỉ có một số công trình di tích được trùng tu, tôn tạo thu hút du khách đến tham quan, còn lại phần lớn di tích đều chưa có sự phát huy giá trị do chưa có cách quản lý, khai thác tốt ngay từ các địa phương. Vừa qua UBND tỉnh chỉ đạo giao Sở VH-TT&DL chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính, các ngành liên quan và UBND huyện Tây Sơn xây dựng Đề án thành lập Ban Quản lý các di tích trên địa bàn huyện Tây Sơn (thuộc Sở VH-TT&DL) trên cơ sở bộ máy quản lý của Bảo tàng Quang Trung hiện có, để quản lý các công trình di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện như Bảo tàng Quang Trung, Đàn tế trời đất, Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc, Lăng mộ Mai Xuân Thưởng, Đền thờ Bùi Thị Xuân…
Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã khó, phát huy được giá trị thì càng khó hơn. Muốn giải quyết những vấn đề khó này không thể ngày một ngày hai trong tình trạng di sản văn hóa phi vật thể ngày càng mai một như hiện nay, mà đòi hỏi phải có thêm những hoạt động thiết thực để đưa di sản từ “bảo tồn tĩnh” sang “bảo tồn động” đi vào đời sống văn hóa tinh thần của người dân thì mới phát huy tốt giá trị di sản.
MAI THƯ