Thêm nguồn lực cho y tế biển, đảo
Đề án Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020 (Đề án 317) chính thức triển khai từ năm 2013, được hy vọng là “cú hích” thúc đẩy y tế biển, đảo phát triển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho ngư dân mọi việc không hề đơn giản.
Bình Định có 5 huyện, thành phố ven biển là Quy Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ và Hoài Nhơn; với 6.836 tàu cá, 43.783 lao động thường xuyên sống trên tàu, trong đó có 3.069 tàu cá đánh bắt xa bờ với gần 21.500 lao động.
Nhiều chuyển biến tích cực
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng, trong giai đoạn 2013-2014, Đề án đã tạo điều kiện củng cố mạng lưới y tế đủ năng lực và phù hợp với đặc thù hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng biển, đảo. Đồng thời, tăng cường năng lực cấp cứu, vận chuyển, khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh và các bệnh tật đặc thù ở vùng biển, đảo; trang bị kiến thức cho ngư dân để có thể tự bảo vệ sức khỏe, biết cách sơ cấp cứu và đưa người bị nạn đến các cơ sở điều trị.
Trạm Y tế xã Tam Quan Bắc đã được xây mới.
Với 6 xã ven biển, huyện Hoài Nhơn có đội tàu đánh bắt cá hùng hậu nhất tỉnh. Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn Hoàng Minh Giới khẳng định, chăm sóc sức khỏe cho người dân ven biển là một trong những vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Năm 2014, Trạm Y tế xã Tam Quan Bắc đã được xây mới, Trạm Y tế xã Hoài Hải được đầu tư lớn để sửa chữa. Mỗi năm có khoảng 400-450 người dân ven biển được mổ mắt miễn phí, với sự hỗ trợ kinh phí từ những người con Hoài Nhơn xa quê.
Trong khi đó, tại TP Quy Nhơn, hoạt động quân dân y kết hợp mang lại hiệu quả cao trong công tác chăm sóc sức khỏe của người dân các xã đảo, bán đảo với sự tham gia tích cực của 3 đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn. “Đáng chú ý, gần 2.400 người dân trên xã đảo Nhơn Châu đã được cấp miễn phí thẻ BHYT. 5 năm qua, từ tháng 10 đến tháng 12, Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn đều cử tổ y tế có chuyên môn phù hợp và trang bị đầy đủ thuốc, phương tiện, dụng cụ để hỗ trợ công tác phẫu thuật, cấp cứu sản, ngoại khoa trong những ngày mưa gió”, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Nguyễn Tiến Dũng thông tin.
Không chỉ thế, trạm y tế các xã ven biển còn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các doanh nghiệp. Tháng 9.2014, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bình Định (BIDV Bình Định) đã trao các trang thiết bị trị giá 200 triệu đồng cho trạm y tế các xã ven biển: Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn), Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ), Cát Khánh (huyện Phù Cát) và xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn). Trong danh mục trang thiết bị hỗ trợ, đáng chú ý có nhiều loại có giá trị cao như máy điện tim 3 cần (17,6 triệu đồng), nồi hấp ướt 18 lít (gần 3,7 triệu đồng)… Cùng với đó là những vật dụng thiết yếu cho các trạm y tế ven biển, như tủ thuốc, giường bệnh nhân, tủ đầu giường, bàn tiểu phẫu… Tất cả các vật dụng này đều làm bằng inox để tránh bị ảnh hưởng của khí hậu đặc trưng vùng biển.
Cần huy động nhiều nguồn lực
Hoạt động quân dân y kết hợp cần đi vào chiều sâu với những hoạt động mang tính định kỳ. Trên địa bàn có Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, cần phối hợp tốt với họ để tận dụng nguồn lực, nhất là trên lĩnh vực chăm sóc, điều trị các bệnh ngoài da vốn phổ biến ở ngư dân
PGS.TS PHẠM LÊ TUẤN - Thứ trưởng Bộ Y tế
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Y tế về kết quả thực hiện Đề án 317 tại Bình Định trong 2 năm 2013-2014 và phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Thanh Thắng thừa nhận vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác phát triển y tế biển, đảo. Quan trọng nhất vẫn là tình trạng cơ sở hạ tầng cũ kỹ, xuống cấp, trang thiết bị thiếu thốn. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, không có kinh phí dành riêng để phát triển y tế biển, đảo; phải kết hợp kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau để đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân các địa phương ven biển.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, để phát triển y tế biển, đảo, việc huy động nhiều nguồn kinh phí khác nhau như Chương trình Mục tiêu Quốc gia Y tế, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo… là rất quan trọng. Bên cạnh đó, xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng cần được quan tâm nhiều hơn. Công tác tuyên truyền phải đi vào thực chất, giúp ngư dân có ý thức và kỹ năng bảo vệ sức khỏe của mình trên biển.
“Hoạt động quân dân y kết hợp cần đi vào chiều sâu với những hoạt động mang tính định kỳ. Trên địa bàn có Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, cần phối hợp tốt với họ để tận dụng nguồn lực, nhất là trên lĩnh vực chăm sóc, điều trị các bệnh ngoài da vốn phổ biến ở ngư dân”, PGS.TS Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh.
NGUYỄN VĂN TRANG