Thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy:
Gian nan nhiều, thu chẳng bao nhiêu
Việc thu phí sử dụng đường bộ (SDĐB) đối với xe máy trên địa bàn tỉnh ta được triển khai từ tháng 9.2013, nhưng đến nay, số tiền thu được vẫn còn ít ỏi. Trong 6 tháng đầu năm 2015, Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB) chỉ thu được 10% so với kế hoạch. Việc triển khai thu loại phí này còn rất nhiều khó khăn.
Theo quy định của Nghị định 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Quỹ BTĐB và Thông tư 197/2012/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu nộp, thì tất cả các cá nhân, tổ chức sở hữu phương tiện xe mô tô đều phải nộp phí. Theo quy định, mức thu phí đối với xe có dung tích xi lanh đến 100 cm3 là 50.000 đồng/năm, xe có dung tích xi lanh trên 100 cm3 là 120 ngàn đồng/năm. Nhưng việc triển khai thu phí BTĐB trên địa bàn tỉnh ta từ gần 3 năm nay lại khá ì ạch.
Số phương tiện mô tô, xe máy trên địa bàn tỉnh ta ngày càng tăng nhưng nhiều chủ phương tiện vẫn chưa thông việc nộp phí BTĐB.
Ì ạch thu phí
Ông Lê Từ, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở GT-VT), Chánh văn phòng Quỹ BTĐB tỉnh, cho biết: “Công tác thu phí SDĐB đối với xe mô tô và xe máy trên địa bàn tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn. Ngay từ đầu năm 2013, kế hoạch thu phí đã được Quỹ BTĐB tỉnh triển khai đến 11 huyện, thị xã, thành phố và 159 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Hội đồng Quỹ BTĐB tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, đảm trách việc theo dõi, chỉ đạo thu, quản lý, sử dụng phí đường bộ ở từng địa phương, nhưng hiệu quả chưa cao”.
Theo phân tích của Văn phòng Quỹ BTĐB tỉnh, thì: Ý thức của người dân về việc nộp phí SDĐB chưa cao. Thêm vào đó, nhân sự Hội đồng quản lý Quỹ và Văn phòng Quỹ đều là cán bộ kiêm nhiệm, không có cán bộ chuyên trách nên còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. Hơn nữa, công tác tuyên truyền, vận động người dân thu, nộp phí ở một số địa phương ở vùng cao, vùng xa như huyện An Lão, Vân Canh…, thậm chí tại địa bàn TP Quy Nhơn chưa sâu rộng. Nhiều hộ lấy lý do xe hỏng, có xe nhưng không đi, chỉ để trong nhà nên không nộp phí hoặc số liệu điều tra của các xã, phường, thị trấn do dân kê khai chưa chính xác. Mặt khác, nhiều địa phương lúng túng trong hướng dẫn đối tượng thu như kê khai, xác định mức thu cũng như việc chỉ đạo thực hiện còn thiếu kiên quyết. Ngoài ra, việc không có chế tài xử phạt đối với các đối tượng không nộp phí nên ý thức của người dân chấp hành chưa cao.
Ông Trần Đình Thời, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, chỉ rõ: “Huyện đã triển khai đến tất cả các xã, thị trấn; đồng thời, có văn bản đôn đốc, nhưng quá trình thu phí BTĐB còn chậm. Nguyên nhân là sự vào cuộc của cấp xã chậm, người dân thì chưa có ý thức tự giác nộp phí. Việc tuyên truyền, vận động nhân dân nộp phí ở các địa phương chưa sâu rộng, nên chưa có sự chuyển biến tích cực”.
Tập trung tháo gỡ
Về việc đưa ra những giải pháp thu phí SDĐB, thời gian tới, một số ý kiến cho rằng Nhà nước cần đưa ra chế tài cụ thể để xử phạt các trường hợp không chấp hành, các địa phương cần huy động cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện thu phí. Theo ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động các chủ phương tiện tự giác nộp đúng, nộp đủ thì cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu. Đồng thời, hằng năm, UBND tỉnh cần đưa vào chỉ tiêu xét thi đua, khen thưởng các địa phương; ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông cho những nơi thực hiện tốt công tác thu, nộp phí sử dụng đường bộ; như vậy, sẽ tạo cho người dân ý thức được việc nộp phí và thực hiện tốt hơn.
Còn ông Trần Châu, Giám đốc Sở GT-VT kiêm Chủ tịch Hội đồng Quỹ BTĐT tỉnh, nêu ý kiến: “Để việc thu phí BTĐB được triển khai kịp thời, đúng quy định và có hiệu quả, thời gian tới, Quỹ BTĐB sẽ tổ chức đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về nộp phí BTĐB, đồng thời, chúng tôi sẽ tổ chức cuộc họp đánh giá lại kết quả thực hiện việc thu phí BTĐB tại các địa phương; sau đó, căn cứ vào tình hình thực hiện, chúng tôi sẽ có những chỉ đạo cụ thể đến từng địa phương để thực hiện”.
Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh đã có văn bản số 1519/UBND-KTN ngày 18.4.2014 gửi các sở, ngành chức năng và chính quyền các địa phương trong tỉnh yêu cầu tăng cường triển khai công tác thu phí SDĐB đối với mô tô, xe máy. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo Quỹ BTĐB chủ trì, phối hợp với Sở GT-VT và các sở, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện công tác thu phí SDĐB đối với ô tô, xe máy theo đúng quy định hiện hành. Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương lập sổ bộ thu, nộp phí; đồng thời chỉ đạo Chi cục Thuế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường hướng dẫn, đôn đốc UBND các xã, phường, thị trấn quản lý, sử dụng, kê khai, quyết toán phí, quyết toán chứng từ thu phí theo quy định…
Có thể thấy, thu phí SDĐB là chủ trương nhằm tạo nguồn kinh phí để sửa chữa, bảo trì và nâng cấp các công trình giao thông, góp phần bảo đảm an toàn giao thông. Chính vì vậy, để công tác thu, nộp phí trên địa bàn tỉnh ta đạt kết quả thì rất cần sự ủng hộ, ý thức chấp hành nghiêm chỉnh những quy định Nhà nước của người dân.
TRỌNG LỢI
* Theo ông Lê Từ, Trưởng Phòng Kế hoạch- Tài chính (Sở GT-VT), Chánh văn phòng Quỹ BTĐB tỉnh, năm 2013, tổng số tiền thu phí SDĐB đối với mô tô, xe gắn máy là 1,62 tỉ đồng, đạt khoảng 10% so với dự toán. Trong năm 2014 thu được là hơn 13 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2015, chỉ thu được gần 1 tỉ đồng, đạt 10% kế hoạch. Điều đáng nói, đến thời điểm hiện tại, 2 huyện An Lão và Vân Canh vẫn chưa triển khai thực hiện việc thu phí SDĐB. Vì vậy, thời gian tới, văn phòng Quỹ BTĐB tỉnh sẽ có kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo để có hướng xử lý phù hợp.
Tôi ở phường ngoại thành Qui Nhơn. Việc thông báo về thu phí, kê khai số lượng xe trong gia đình cũng đã được địa phương thực hiện thông qua các tổ trưởng dân phố. Họ tới tận nhà, phát tờ khai và sau đó đi thu lại tờ khai. Vậy là tốt rồi! Nhưng đến khi thu tiền nộp, thì phường thông báo trên loa truyền thanh, yêu cầu dân đến 1 địa điểm nào đó để nộp, trong 1-2 ngày gì đó...Như vậy là chưa được ! Loa truyền thanh xã phường hiện không phải ai cũng nghe được. Chỉ những ai ở quanh trụ loa thì nghe được, còn xa thì chịu. Như vậy việc thông báo không hiệu quả! Thứ hai, muốn lấy tiền của dân thì phải đến tận nhà, vào giờ thích hợp để thu thì mặc may dân nộp cho. Chứ đằng này, bắt dân đi nộp thì có lẽ giỏi lắm thu được 50% số lượng là cùng! Người ta cực chẳng đã mới nộp loại phí này, mà anh còn bắt dân đi nộp thì ai mà đi!? Chúng ta hãy nhìn xem: ngành điện, ngành nước cho dân dùng trước, thu tiền sau, đến tận nhà để thu, mà cũng chưa thu đủ, thì huống gì khoản phí "bức xúc" này! Do đó, muốn thu tốt khoản phí này thì cán bộ của phường xã, tổ dân phố...phải tới tận nhà thu mà thôi. Theo quy định thì cũng có trích phần trăm bồi dưỡng cho những người làm công tác này rồi!
Thành phố Hồ chí Minh dân giàu thế mà họ còn không thu cớ gì tỉnh ta dân còn nghèo lại thu trong khi chính sách này lại không được nhân dân ủng hộ nên tỷ lệ thu đạt rất thấp tạo nên sự bất công giữa người nộp và không nộp. Nên kiến nghị Trung ương bỏ phí này để dân bớt khổ!