Thơ cần thiết cho ai?
1. Câu hỏi “Thơ cần thiết cho ai” cũng chính là tên một tập tiểu luận phê bình thơ của Nguyễn Đức Tùng - một tác giả đang định cư tại Canada - giới thiệu chân dung một số nhà thơ Bắc Mỹ đến với bạn đọc Việt. Tập tiểu luận phê bình này vừa mới được Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành vào quý I năm 2015 trong mong muốn mở một cửa sổ nhìn ra thế giới, đem những cảm nhận, cách tân thơ mới lạ từ bên kia bờ đại dương, vun trồng trong bầu đất thơ ca dân tộc. Dĩ nhiên, tên cuốn sách: “Thơ cần thiết cho ai” thuộc vào dạng câu hỏi gợi mở, chỉ nêu vấn đề, không cần lời đáp hay không thể có lời đáp sau chót, khả dĩ. Ở đây, không bàn đến nội dung của cuốn sách trên, ta chỉ quan tâm đến câu hỏi đặt ra: nhan đề cuốn sách có thể gợi cho ta những ngẫm suy gì về vai trò của thơ trong đời sống đương đại, và những giá trị của thơ đối với tâm hồn con người?
2. Thật ra, không phải đến giờ, câu hỏi “Thơ cần thiết cho ai?” mới trở nên thống thiết. Câu hỏi ấy hẳn phải vọng lên từ thời điểm thơ ca ra đời, như một thức nhận về vai trò, chức năng, ý nghĩa của một thể loại văn chương gắn bó bền lâu với sự sống. Tuy nhiên, chỉ đến thời kỳ mà văn chương, trong đó có thơ, ngày càng trở nên thất thế trước các phương tiện truyền thông, ngày càng lu mờ trong vai trò một món ăn tinh thần, một người bạn tâm giao được kỳ vọng của con người, câu hỏi ấy mới hiện lên thật riết róng.
Trả lời câu hỏi này, trên phạm vi toàn thế giới, ta có thể tìm gặp những mối đồng cảm trong quan niệm của nhà thơ Ko Un - nhà thơ Hàn Quốc nhiều năm liền là ứng viên Nobel Văn chương. Ông xem thơ là bản tính của con người: “Mọi người sinh ra đã là một thi sĩ hoặc đã được sinh ra trong chất thơ. Tôi đã viết như thế, từ những trải nghiệm của mình về đạo Phật. Phật giáo bảo rằng mọi giống hữu tình đều mang Phật tính; như theo cách suy nghĩ của tôi thì Phật tính tự bản thân nó đã là thi tính. Bản chất con người tự nó đã mang thi tính. Đó là quan niệm đã xuyên suốt sáng tác của tôi”. Thơ phát khởi tự bản chất người, mọi người sinh ra đều đã là nhà thơ. Nên thơ cần thiết cho mỗi người, cho tất cả chúng ta dù ý thức hay không ý thức.
Còn với Octavio Paz - nhà thơ được trao giải Nobel Văn chương 1990 – chức năng của thơ là đem đến cho con người “một giọng nói khác”, chẳng của ai nhưng lại là của tất cả: “Thơ là giọng nói khác bởi lẽ đó là giọng nói của đam mê và của tưởng tượng. Đó là giọng nói của một thế giới khác và cũng là của thế giới này, của những dĩ vãng xa xưa và đồng thời của chính ngày hôm nay, một thời xa xưa không ngày tháng… Mọi thi sĩ trong những khoảnh khắc của thơ ca, dù ngắn hay dài, đều nghe thấy giọng nói khác ấy, nếu họ là thi sĩ đích thực. Đó là giọng nói của họ, của ai đó, không của ai khác, chẳng của ai và của tất cả”.
Thơ làm nên bản thể, và mang đến cho con người một sắc điệu riêng trong giọng nói của đam mê và tưởng tượng, cất lên từ thẳm sâu trong tâm hồn mình. Nên có lẽ, mặc cho sự thất thế của văn chương, thơ mãi còn hiện hữu, cùng với con người. Nhưng vấn đề là, nhịp sống đổi khác, nếp cảm nếp nghĩ cũng biến đổi theo, thơ có hòa cùng mạch đập thời đại, có tìm lại được sự quan tâm của người đọc, đặc biệt là của người đọc trẻ? Đấy lại là một chuyện khác.
3. Nhìn sang thị trường sách vở Việt Nam những năm gần đây, có thể thấy được hiện tượng lạ: sự quay trở lại của thơ, khi những vần thơ bắt rễ từ trái tim của một số nhà thơ trẻ đã tìm được cho riêng mình lối đi vào trái tim độc giả đương đại. Nổi bật nhất, có lẽ là tập thơ Đi qua thương nhớ của Nguyễn Phong Việt - một hiện tượng thơ best seller với hàng vạn bản được phát hành và tiêu thụ trong thời gian ngắn; cũng có thể kể thêm những tập thơ của các nhà thơ nữ như: Trần Mai Hường, Nồng Nàn Phố và Minh Đan… Những tác phẩm mới nhất của những nhà thơ nữ này đều được đón nhận nồng nhiệt và phát hành rộng rãi…
Điều gì đã làm nên sự lôi cuốn của những nhà thơ này với giới trẻ? Có phải chăng là “chất trẻ” trong cách cảm nhận và sự giản dị, mộc mạc trong hình thức biểu hiện? Nguyễn Phong Việt tâm sự: “Hãy viết chân thành nhất có thể, kể những câu chuyện gần gũi nhất và chạm đến cảm xúc của độc giả thì bất kể là thời gian nào và không gian nào, thơ vẫn có độc giả của riêng nó”. Quả thật, sự chân thành, chia sẻ, bao giờ cũng tạo nên mối dây đồng cảm, nó là nguồn sống nuôi dưỡng thơ. Nhất là khi thơ được khoác lên mình hình thức xuất bản mới, trong không gian mạng facebook, blog giàu tương tác với bạn đọc, trước đi được in thành sách.
4. Trở lại với câu hỏi “Thơ cần thiết cho ai?” của Nguyễn Đức Tùng, ta có thể xác tín với niềm tin về vai trò của thơ đối với mỗi con người trong đời sống đương đại. Sự xác tín ấy là cần thiết nếu nhìn sâu vào bản chất thơ ca, trong tư cách một thành tố làm nên bức chân dung tinh thần mà ai cũng cần có. Mạng lưới truyền thông rộng khắp và Internet không giết chết thơ, nó chỉ khoác cho thơ chiếc áo mới: mới trong phương thức sáng tác của người làm thơ, và mới trong phương thức cảm thụ của người tiếp nhận.
LÊ MINH KHA